chia sẻ:

Hướng dẫn tìm kiếm và kết nối với các đối tác kinh doanh du lịch

Cập nhật 28.06.2024 | Sale & Marketing

Hợp tác kinh doanh là một chiến lược thông minh giúp doanh nghiệp du lịch tăng trường kinh doanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tác cần phải được thực hiện cẩn trọng và thông minh. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn tìm kiếm và kết nối với đối tác kinh doanh phù hợp nhất.

Hướng dẫn tìm kiếm và kết nối với các đối tác kinh doanh du lịch

1. Lợi ích của việc hợp tác trong kinh doanh du lịch

Xây dựng và mở rộng quan hệ đối tác kinh doanh như một cách để tăng trưởng đang được rất nhiều doanh nghiệp du lịch triển khai.

Không còn độc hành trong quá trình kinh doanh, quan hệ đối tác giúp doanh nghiệp tạo hệ sinh thái cùng phát triển bền vững, hướng tới tạo giá trị đôi bên cùng có lợi.

Cụ thể, xây dựng mạng lưới đối tác kinh doanh du lịch mang lại cho doanh nghiệp một số lợi ích sau:

  • Tăng trưởng doanh thu: Hợp tác với các đối tác kinh doanh trong Ngành Du lịch, doanh nghiệp có thể tăng khả năng tiếp cận khách hàng mới, thúc đẩy bán hàng từ đó tăng trưởng doanh thu một cách nhanh chóng.
  • Mở rộng thị trường: Mỗi một doanh nghiệp du lịch đều sẽ có một tệp khách hàng tiềm năng nhất định. Vì vậy, khi hợp tác với những đơn vị khác, bạn sẽ tiếp cận được mạng lưới khách hàng sẵn có của họ và bán sản phẩm dịch vụ của mình.
  • Lấp đầy “khoảng trống” còn thiếu sót của doanh nghiệp: Doanh nghiệp dù lớn mạnh đến đâu cũng sẽ có những hạn chế nhất định. Xây dựng quan hệ đối tác giúp doanh nghiệp giúp tận dụng những điểm mạnh của đối tác để bổ sung vào “khoảng trống năng lực” của mình, từ đó hỗ trợ cho sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp.
  • Tối ưu nguồn lực: Hợp tác kinh doanh làm giảm áp lực, tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh du lịch được triển khai theo cách hiệu quả nhất.

2. Các nhóm đối tác kinh doanh du lịch

Dưới đây là một số đối tượng mà doanh nghiệp du lịch của bạn có thể cân nhắc hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh doanh:

  • Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương: Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương như: khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan du lịch, dịch vụ làm đẹp,... có thể hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chương trình du lịch toàn diện và chất lượng. Từ đó nâng cao trải nghiệm du lịch của khách hàng và tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch.
  • Đại lý du lịch truyền thống: Đại lý du lịch là các đơn vị hoặc cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành để bán các sản phẩm du lịch của nhà cung cấp. Đại lý đóng vai trò là cầu nối giữa khách hàng và các doanh nghiệp lữ hành, giúp khách hàng chọn và đặt các dịch vụ du lịch phù hợp.
  • Đại lý du lịch trực tuyến: Đại lý du lịch trực tuyến (OTA) là các nền tảng kỹ thuật số như Booking.com, Expedia, Agoda, Traveloka,... chuyên cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay, khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ khác qua Internet. Các kênh OTA này có thể giúp doanh nghiệp du lịch bán các sản phẩm dịch vụ và tìm kiếm những khách hàng ở thị trường ngách hoặc các thị trường khó để tiếp cận.

>>> Xem thêm: Chức năng và nhiệm vụ của đại lý du lịch

3. Hướng dẫn tìm kiếm và kết nối với đối tác kinh doanh du lịch

Hợp tác với đối tác kinh doanh phù hợp sẽ giúp tăng sức mạnh nội tại cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Dưới đây là 5 bước để tìm kiếm đối tác kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch của bạn:

Bước 1: Xác định mục tiêu hợp tác của doanh nghiệp

Hướng dẫn tìm kiếm và kết nối với đối tác kinh danh du lịch

Một mối quan hệ hợp tác kinh doanh bền vững đòi hỏi đối tác cần có chung tầm nhìn và hướng đi.

Một khi đã quyết định hợp tác thì việc hướng tới mục tiêu chung là điều bắt buộc. Vì vậy, trong quá trình tìm kiếm đối tác kinh doanh du lịch, điều quan trọng mà doanh nghiệp cần thực hiện trước tiên chính là hiểu rõ mục tiêu hợp tác và những điểm thiếu sót của mình để tìm những đối tác lấp đầy những lỗ hổng đó.

Để thực hiện được điều này, doanh nghiệp cần trả lời một số câu hỏi sau:

  • Mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của tổ chức là gì?
  • Doanh nghiệp có điểm mạnh, điểm yếu như thế nào?
  • Thị trường mục tiêu doanh nghiệp muốn hướng tới là gì?
  • Nhu cầu và mong đợi từ mối quan hệ hợp tác là gì?
  • Đối tác sẽ làm gì để hỗ trợ quá trình kinh doanh của doanh nghiệp?

Bước 2: Xây dựng tiêu chí đánh giá và lựa chọn đối tác kinh doanh

Xây dựng rõ các tiêu chí mà doanh nghiệp mong muốn ở đối tác của mình sẽ là cơ sở để đánh giá các đối tác tiềm năng và đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất. Một số tiêu chí để đánh giá đối tác có thể bao gồm:

  • Tầm nhìn và chiến lược: Đối tác cần phải có tầm nhìn và chiến lược phù hợp với doanh nghiệp du lịch. Điều này đảm bảo rằng cả hai bên có thể hợp tác hiệu quả và bền vững.
  • Uy tín, kinh nghiệm: Chữ “tín” trong kinh doanh là một yếu tố bắt buộc cần phải có khi lựa chọn đối tác. Thông thường, uy tín của đối tác có thể được thể hiện qua lịch sử hoạt động, phản hồi từ khách hàng và đối tác cũ, thái độ làm việc, danh hiệu đạt được trước đó,...
  • Quy trình bán hàng hiện tại: Đánh giá quy trình bán hàng hiện tại của đối tác có phù hợp với quy trình của doanh nghiệp hay không, bao gồm hoạt động tiếp thị, tư vấn khách hàng cho đến hỗ trợ sau khi bán hàng. Điều này giúp đảm bảo rằng việc hợp tác diễn ra một cách suôn sẻ và mang lại hiệu quả cao nhất.
  • Tỷ lệ chuyển đổi kênh bán hàng của đối tác: Tỷ lệ chuyển đổi là một chỉ số quan trọng mà doanh nghiệp du lịch cần quan tâm. Bởi đây là một thông số thể hiện hiệu quả bán hàng của đối tác, từ đó đánh giá được việc hợp tác có mang lại hiệu quả và tăng trưởng doanh thu hay không
  • Tệp khách hàng của đối tác: Hãy xem xét tệp khách hàng hiện có của đối tác kinh doanh du lịch để đảm bảo rằng họ có khả năng tiếp cận và phục vụ được thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp đang nhắm đến.

Bước 3: Tìm kiếm đối tác kinh doanh

Sau khi đã xác định được các tiêu chí để đánh giá và lựa chọn, điều tiếp theo mà doanh nghiệp cần làm chính là tìm kiếm đối tác từ nhiều nguồn khác nhau. Doanh nghiệp du lịch có thể áp dụng 3 cách dưới đây để tìm kiếm:

  • Tận dụng các mối quan hệ hiện tại như bạn bè đồng nghiệp cũ, nhà đầu tư từng hợp tác, khách hàng,...
  • Tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, buổi hội thảo, đào tạo,... liên quan đến Du lịch để mở rộng mạng lưới quan hệ và tìm kiếm những đối tác chất lượng, cùng chí hướng
  • Sử dụng mạng xã hội (Linkedin, Facebook, Zalo,...) và trang web để đăng tin tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Bước 4: Lên danh sách và chọn lọc đối tác tiềm năng

Sau quá trình tìm kiếm các đối tác kinh doanh, cần lên danh sách các đối tác tiềm năng đáp ứng các tiêu chí mà doanh nghiệp đề ra. Sau đó, tiến hành sàng lọc sơ bộ các đối tác có thể mang lại lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp du lịch của bạn. Ở giai đoạn này, bạn xem xét kỹ lưỡng 5 yếu tố dưới đây:

  • Nguồn lực của đối tác có thể đáp ứng tới mức độ nào theo yêu cầu của doanh nghiệp?
  • Những yếu tố tác động tới hoạt động kinh doanh của đối tác là gì, có dễ kiểm soát không?
  • Mức độ hỗ trợ của đối tác tới sự thành công của doanh nghiệp
  • Xác suất thành công khi hợp tác với đơn vị này là bao nhiêu?
  • Rủi ro khi hợp tác với đơn vị này là gì?

Bước 5: Liên hệ và trao đổi với các đối tác tiềm năng

Bước tiếp theo, doanh nghiệp du lịch cần tiến hành liên hệ và trao đổi để đánh giá mức độ phù hợp giữa hai bên trước khi chính thức hợp tác.

Hướng dẫn tìm kiếm và kết nối với đối tác kinh doanh du lịch

Để liên hệ với đối tác, cần sử dụng các kênh liên hệ phù hợp như email, điện thoại hoặc các nền tảng mạng xã hội thể hiện tính chuyên nghiệp và đưa ra đề nghị hợp tác.

Trong quá trình đàm phán, doanh nghiệp cần nêu ra những mong đợi và lợi ích mà đối tác có thể nhận được từ quá trình hợp tác. Các yếu tố cần được thảo luận bao gồm phạm vi công việc, các cam kết về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, mức độ hỗ trợ kỹ thuật, thời gian triển khai dự án,...

Kết thúc quá trình liên hệ và đàm phán, các bên sẽ cần xác nhận lại sự đồng ý về các điều khoản đã thỏa thuận và chuẩn bị cho quá trình hợp tác chính thức.

4. Những lưu ý khi kết nối với đối tác

Khi kết nối để liên hệ và yêu cầu hợp tác với đối tác, có một số lưu ý quan trọng mà doanh nghiệp nên cân nhắc để đảm bảo tính chuyên nghiệp và đem lại hiệu quả:

  • Nghiên cứu kỹ về đối tác: Trước khi liên hệ, cần nghiên cứu chi tiết về đối tác như lịch sử hoạt động, tệp khách hàng, uy tín trong ngành và các dự án đã thực hiện trước đó. Điều này giúp bạn có cái nhìn toàn diện về họ, từ đó chuẩn bị phù hợp cho các cuộc gặp gỡ hoặc trao đổi.
  • Chuẩn bị kỹ hồ sơ năng lực: Đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị một hồ sơ năng lực chuyên nghiệp và đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ, mong muốn hợp tác,..
  • Luôn thể hiện sự chuyên nghiệp: Lựa chọn các kênh liên hệ phù hợp và chuyên nghiệp như email, điện thoại,... Đảm buổi trao đổi hợp tác diễn ra trong một môi trường lịch sự, văn minh. Đồng thời, dù hai bên không hợp tác, bạn vẫn nên giữ lịch sự để xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác trong tương lai.

Tựu chung lại, việc hợp tác với các đối tác kinh doanh du lịch mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Để có thể lựa chọn đối tác kinh doanh phù hợp, bạn cần có phương thức tìm kiếm và kết nối khéo léo. Hy vọng những hướng dẫn chi tiết trong bài viết này đã mang đến nhiều thông tin hữu ích dành cho bạn!

Xem thêm:

>>> Danh sách đại lý du lịch trực tuyến (Kênh OTA) hàng đầu cho doanh nghiệp du lịch