chia sẻ:

7 kênh quảng bá & phân phối sản phẩm Tour du lịch hàng đầu

Cập nhật 17.06.2024 | Sale & Marketing

Bạn làm thế nào để quảng cáo tour du lịch tới khách hàng? Bạn đang sử dụng cách kênh tiếp thị và bán hàng nào? Đâu là kênh trực tiếp, đâu là kênh gián tiếp? Mô hình kênh truyền thông sở hữu, kênh trả phí và kênh lan truyền ra sao? Để giúp bạn quyết định kênh phân phối tốt nhất cho doanh nghiệp du lịch của mình, dưới đây là danh sách kênh mà bạn có thể cân nhắc.
7 kênh quảng bá và phân phối sản phẩm du lịch hàng đầu

1. Website du lịch

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những tác động mạnh mẽ của đại dịch CoVid-19 dường như đã mở ra trang mới cho du lịch toàn cầu. Việc nghiên cứu điểm đến, lập kế hoạch du lịch, đặt dịch vụ du lịch, đặt tour du lịch đã không còn như trước. Khách du lịch đã quen với việc họ chủ động trong xuyên suốt hành trình trải nghiệm của mình. 

Trước chuyến đi, họ tìm kiếm mọi thứ trên internet. Họ sử dụng điện thoại di động để truy cập các kênh OTA hàng đầu, truy cập những website du lịch uy tín để đặt dịch vụ trực tiếp và có thể tạo ra các hành trình du lịch tùy chỉnh. 

Chính vì vậy, việc sở hữu một website du lịch chuyên nghiệp và xuất hiện trên trang đầu của trình duyệt tìm kiếm được xem là thẻ bài chiến lược để đáp ứng xu hướng, nhu cầu của khách hàng và từ đó, đón đầu thị trường để gia tăng lượng khách hàng.

Website du lịch cũng chính là kênh truyền thông sở hữu tuyệt vời nhất để doanh nghiệp tạo dựng và khẳng định sự uy tín của thương hiệu trên môi trường trực tuyến. Đầu tư website du lịch là khoản đầu tư khôn ngoan bởi chi phí xây dựng và duy trì thấp hơn nhiều so với giá trị mà doanh nghiệp nhận được. 

Một số giá trị và lợi ích của website du lịch đối với doanh nghiệp có thể kể tới như:

  • Định danh, tăng cường sự hiện diện trực tuyến
  • Gia tăng và khẳng định sự uy tín của doanh nghiệp
  • Tối ưu chi phí truyền thông và quảng bá thương hiệu
  • Là kênh quảng cáo và là kênh bán hàng hiệu quả
  • Mở rộng thị trường bằng cách tiếp cận khách hàng không giới hạn trên toàn cầu
  • Cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng sự hài lòng của khách hàng
  • Cho phép thu thập dữ liệu khách hàng, giúp hiểu rõ hơn về hành vi và nhu cầu của khách hàng
  • Tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Với những lợi ích này, website du lịch được xem là một kênh tiếp thị và bán hàng hiệu quả để doanh nghiệp có thể tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên số.

2. Google Doanh nghiệp của tôi

Google Doanh nghiệp của tôi hay Google My Business thường không phải là kênh tiếp thị ưu tiên của hầu hết doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, bạn có thể phải suy nghĩ lại bởi việc thông tin công ty được liệt kê trên công cụ tìm kiếm hàng đầu Google là rất quan trọng. 

Tương tự như website, Google cung cấp cho người dùng một cái nhìn tổng quan về doanh nghiệp như thông tin công ty, giờ mở cửa, thông tin liên hệ cùng sơ đồ chỉ đường cụ thể, danh sách sản phẩm và những bài viết mới nhất. Điều này tạo thêm niềm tin cho khách hàng khi họ tiếp tục tìm kiếm thông tin doanh nghiệp và Booking dịch vụ. 

Việc xuất hiện trên Google Map cũng giúp tăng khả năng tiếp cận với khách hàng địa phương.

3. TripAdvisor

Nghiên cứu của Phocuswright với Nền tảng TripAdvisor chỉ ra rằng, hơn 53% khách đặt phòng sẽ không cam kết booking cho đến khi họ đọc các đánh giá và có tới 80% khách hàng sẽ đọc từ 6-12 đánh giá trước khi tiến hành đặt dịch vụ. Vậy, nếu doanh nghiệp không cung cấp bất cứ một lời chứng thực khách quan nào hoặc nếu có nhưng tỷ lệ đánh giá với điểm thấp sẽ tiếp tục kinh doanh ra sao? Bạn và doanh nghiệp của mình buộc phải xây dựng chiến lược gia tăng nhận diện và đạt điểm cao trên TripAdvisor nếu muốn tăng lượng booking trực tuyến.

4. Mạng xã hội

Phương tiện truyền thông xã hội là một kênh hiệu quả (và miễn phí) để tiếp cận khách hàng mới. Tuy nhiên, thay vì cố gắng thành công trên mọi kênh truyền thông xã hội hiện có, bạn nên tìm hiểu xem nền tảng nào có tệp khách hàng tiềm năng của mình hoạt động nhiều nhất. 

Một số kênh truyền thông xã hội (mạng xã hội) phổ biến hiện nay có thể kể tới như Facebook, Instagram, Thread, TikTok, Twitter, Youtube,...

Bên cạnh việc tăng cường sự hiện diện của thương hiệu, tiếp thị và quảng cáo, các mạng xã hội hầu hết đều cung cấp các mô hình tương tác, kết nối với khách hàng một cách dễ dàng, nhanh chóng nhất. 

Mạng xã hội cũng giúp doanh nghiệp tăng cường lưu lượng truy cập website đánh kể, cải thiện SEO và tạo ra sự lan tỏa tích cực cho hệ thống nội dung của website.

5. Báo chí truyền thông

Bạn có cung cấp sản phẩm gì đó độc đáo hay bạn có quan điểm thú vị về không gian du lịch địa phương  mà bạn muốn chia sẻ? Báo chí truyền thông là một kênh phân phối tuyệt vời nếu bạn có nội dung mới mẻ và phù hợp.

Tùy vào mục tiêu truyền thông, hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị trên kênh báo chí có thể bao gồm:

  • Số lượng người đọc
  • Lưu lượng truy cập website từ kênh báo chí điều hướng sang
  • Lượt chia sẻ, lượt bình luận về bài viết
  • Tỷ lệ tương tác với bài viết
  • Lượt đăng ký qua form (nếu có)
  • Tỷ lệ chuyển đổi,...

Cần lưu ý, chi phí quảng cáo trên các kênh báo chí không phải là con số nhỏ. Cần xác định rõ mục tiêu truyền thông trước khi triển khai.

6. Đại lý du lịch trực tuyến (OTA)

Kênh OTA (viết tắt của Online Travel Agent) là các đại lý du lịch trực tuyến, nơi cung cấp nền tảng để kết nối du khách với các sản phẩm dịch vụ du lịch như: phòng khách sạn, vé máy bay, tour du lịch,... Bạn có thể xem giới thiệu tổng quan về OTA và vai trò của kênh OTA du lịch trước khi tiếp tục. 

Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, kênh OTA ngày càng trở thành một công cụ marketing và bán hàng hiệu quả cho các doanh nghiệp du lịch. Lý do là vì:

  • Tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ: Các kênh OTA thu hút lượng lớn khách hàng tiềm năng đang tìm kiếm và đặt dịch vụ du lịch trực tuyến. Doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận và quảng bá sản phẩm dịch vụ của mình đến với hàng triệu khách hàng tiềm năng thông qua các kênh này.
  • Tăng khả năng hiển thị: Các kênh OTA có thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm, giúp sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp du lịch được hiển thị dễ dàng hơn trước mắt khách hàng.
  • Tiết kiệm chi phí marketing: So với các kênh marketing truyền thống, kênh OTA có chi phí marketing thấp hơn. Doanh nghiệp chỉ cần trả phí hoa hồng cho kênh OTA khi có giao dịch thành công.
  • Quản lý dễ dàng: Các kênh OTA cung cấp hệ thống quản lý trực tuyến giúp doanh nghiệp dễ dàng cập nhật thông tin sản phẩm dịch vụ, giá cả, quản lý đặt phòng và thanh toán.
  • Tăng độ uy tín: Việc sản phẩm dịch vụ được niêm yết trên các kênh OTA uy tín sẽ giúp tăng độ uy tín cho thương hiệu của doanh nghiệp du lịch.

Ngoài ra, kênh OTA còn cung cấp nhiều tính năng hữu ích khác như: phân tích dữ liệu khách hàng, đánh giá hiệu quả chiến dịch marketing, hỗ trợ khách hàng 24/7,... giúp doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tất nhiên, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và OTA là mối quan hệ 2 bên cùng có lợi. Do đó, bạn cần xem xét kỹ về các điều khoản và chính sách của từng kênh OTA trước khi quyết định tham gia và hợp tác. Trong đó, các điều khoản liên quan tới chi phí hoa hồng, chính sách thanh toán, chính sách chia sẻ dữ liệu,... là những thông tin cần nắm bắt rõ nhất. 

7. Đại lý du lịch 

Đại lý du lịch là các đơn vị hoặc cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành để bán các sản phẩm du lịch của họ. Các đại lý này đóng vai trò là cầu nối giữa khách hàng và các doanh nghiệp lữ hành, giúp khách hàng chọn và đặt các dịch vụ du lịch phù hợp.

Đối với những nhà tổ chức và điều hành tour chuyên nghiệp, việc phát triển đại lý du lịch được xem là một hoạt động không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Hãy gác lại các hoạt động bán hàng trực tiếp để tập trung vào việc cung cấp sản phẩm tour du lịch tốt nhất. Khi đó, khách hàng sẽ không có dấu hiệu suy giảm khi có một hệ thống đại lý du lịch chuyên nghiệp

Mặc dù nhiều lợi ích là vậy, tuy nhiên việc quản lý hệ thống đại lý du lịch có thể là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Sự nhầm lẫn, sai sót hàng ngày là không thể tránh khỏi. Việc quản lý tình trạng booking, tình trạng hủy, đặt cọc, thanh toán,... trở thành một guồng quay lớn, một áp lực lớn đối với quy trình vận hành của doanh nghiệp du lịch.

>> Xem thêm: Chức năng và nhiệm vụ của đại lý du lịch

Phương pháp lựa chọn kênh tiếp thị và phân phối Tour du lịch

Tất cả đều hướng về khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp. Tóm lại, doanh nghiệp đang phục vụ ai, họ có khả năng tìm kiếm thông tin từ những đâu và booking từ đâu?

Mặc dù website du lịch của bạn là nơi tuyệt vời để bán các sản phẩm tour du lịch nhưng đó không phải là tất cả. Khi lựa chọn kênh tiếp thị du lịch, cần xem xét 4 nhóm yếu tố chính như sau:

  • Mục tiêu Marketing: Xác định rõ mục tiêu doanh nghiệp muốn đạt được là tăng nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng tiềm năng, thúc đẩy doanh số bán hàng hay mục tiêu nào khác.
  • Đối tượng khách hàng mục tiêu: Cần hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu là ai. Sở thích, hành vi, thói quen, nhu cầu thông tin của họ là gì. Từ đó, lựa chọn kênh tiếp thị phù hợp với chân dung khách hàng.
  • Ngân sách Marketing: Mỗi kênh tiếp thị có một mức chi phí khác nhau, cần cân nhắc kỹ lưỡng ngân sách và lựa chọn kênh phù hợp với ngân sách để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. 
  • Nguồn lực triển khai: Xác định nguồn lực để sẵn sàng triển khai các hoạt động tiếp thị cụ thể.

Thị trường du lịch ngày càng cạnh tranh khốc liệt, trong khi đó nhu cầu và xu hướng của du khách liên tục thay đổi. Vì vậy, việc lựa chọn kênh tiếp thị phù hợp là yếu tố then chốt để các chiến dịch tiếp thị đạt hiệu quả cao nhất với chi phí tối ưu nhất.

Hy vọng, bài viết trên đây đã có thêm một số gợi ý cho bạn để việc lựa chọn kênh trở nên dễ dàng và chuẩn xác hơn. Chúc bạn có những chiến dịch tiếp thị hiệu quả!