21.12.2017 | Sale & Marketing
Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện quảng cáo ARTI, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quảng cáo An Tiêm, cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cái khó lớn nhất mà mọi người đang cảm nhận không phải là phương tiện mà là nội dung. Vậy phải làm thế nào?
Marketing: sáng tạo và trải nghiệm
“Trên digital bây giờ khá tạp nham, nếu nội dung không hay thì cũng không tiếp cận được khách hàng. Việc sáng tạo nội dung đóng vai trò hết sức quan trọng đối với digital”, ông Dũng khẳng định.
“Digital tạo ra khác biệt là lượng hóa được khách hàng mục tiêu, trong khi ngành quảng cáo và báo chí không thể làm được điều đó. Tại Nhật Bản, các chương trình truyền hình bắt đầu lượng hóa được khách hàng mục tiêu. Các ngành khác nếu không định lượng được cũng sẽ chết”, ông Dũng nói. Vậy người làm marketing cần có khả năng gì?
Theo ông Dũng, yêu cầu đối với nhân sự trong ngành marketing là phải sáng tạo và viết nội dung tốt. “Muốn viết lách tốt phải có một quá trình, phải sáng tạo, hiểu được người tiêu dùng. Để làm được điều đó, người trẻ cần phải được đào tạo một cách bài bản. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải tự lăn lộn với thị trường, tự trải nghiệm, từ đó sẽ có những hiểu biết sâu sắc nhất về văn hóa, về hành vi của người tiêu dùng. Tất những cái này không sách vở nào dạy mà bắt buộc phải tự trải nghiệm”, ông Dũng cho hay.
Ông Dũng cho biết, theo khảo sát mới đây của cá nhân ông, với những người thành công, 60% đến từ trải nghiệm, 20% là kiến thức, 10% là kỹ năng. “Kiến thức thì phải học cả đời, nhưng kỹ năng mà không lăn lộn từ nhỏ thì về già sẽ khó học”, ông Dũng nói.
Sales là làm dâu trăm họ
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng nhân sự Công ty Talennet cho biết: “Theo khảo sát trong 10 năm làm công tác tuyển dụng, tôi thấy yêu cầu về sales đã khác, ngày xưa chỉ bán hàng qua hai kênh truyền thống và hiện đại, giờ có thêm digital, phải biết khách hàng là ai, cần tư vấn gì cho khách hàng. Kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất để đơn giản hóa vấn đề, từ đó đưa ra hướng giải quyết”.
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam thì cho rằng, đối với người làm ở vị trí sales, ngoài việc hiểu rõ quy trình mua sắm thì đòi hỏi còn phải có sự tích lũy kiến thức, không chỉ kiến thức của ngành nghề mình hoạt động, mà cả kiến thức đời sống. Theo ông Thắng, mỗi người làm sales sẽ phải tiếp cận và làm việc với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, là công việc “làm dâu trăm họ” nên càng có trải nghiệm nhiều thì càng tốt để “nhạc nào cũng có thể nhảy được”.
Ông Lê Hồng Phúc, nguyên Giám đốc nhân sự của Samsung cho rằng, để nâng cao chuyên môn và kỹ năng cho nhân sự ngành sales và marketing, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng được văn hóa học tập không ngừng. “Ngành công nghệ cao như Samsung thay đổi rất nhanh. Trong quá trình làm việc với Samsung, tôi thấy họ chuẩn bị rất kỹ cho điều này, lấy tiêu chí thay đổi, dẫn dắt thị trường làm chủ đạo”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cho biết, bên cạnh nghiên cứu và phát triển, Samsung đầu tư rất nhiều cho sales và marketing. Thậm chí tập đoàn này còn xây dựng cả học viện về sales và marketing để nhân viên được học tập liên tục, nắm bắt những xu hướng mới, giúp họ nhìn nhận thách thức chuyển thành cơ hội chứ không lo lắng.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ngân sách hạn hẹp, theo ông Phúc, vẫn có thể tạo ra tinh thần học hỏi ở tất cả nhân viên. “Mỗi buổi họp của Samsung không phải chỉ bàn về kinh doanh mà còn kết hợp chủ đề huấn luyện. Những hội thảo chuyên ngành, doanh nghiệp nên tạo điều kiện cho nhân viên tham gia, chia sẻ lại cho đội ngũ cấp dưới. Hãy chuẩn bị kỹ năng học hỏi, vì không ai sinh ra đã giỏi, phải có quá trình học hỏi, hun đúc. Các bạn trẻ trong ngành sales và marketing đều bắt đầu từ học mạng online, chúng ta phải trả tiền để học những khóa học cơ bản đó. Các tổ chức tư vấn cũng thường xuyên có chia sẻ về vấn đề của digital”, ông Phúc chia sẻ kinh nghiệm.
>> Xem thêm: 9 Xu hướng thúc đẩy ngành du lịch trong năm 2018
Theo Doanh Nhân Online