10.04.2017 | Sale & Marketing
Thị trường du lịch hiện nay thay đổi chóng mặt, hàng trăm các công ty du lịch mới thành lập mỗi năm, từ hình thức kinh doanh offline truyền thống là chủ yếu đã chuyển dần sang kinh doanh online, các đại lý du lịch OTA cũng dần được hình thành và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, các xu hướng du lịch mới,…Chính vì vậy, các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam buộc phải bắt kịp và thích nghi nếu muốn tồn tại. Tồn tại được đã khó muốn phát triển bền vững thì quả là một thách thức vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp du lịch.
Có rất nhiều cách để phát triển doanh nghiệp, nhưng yếu tố hàng đầu và bao giờ cũng quan trọng nhất đó là khách hàng. Khách hàng chính là chìa khóa chính của mọi thành công. Khách hàng vui vẻ, hài lòng, doanh nghiệp sẽ phát triển. Dưới đây là sẽ là một số ý tưởng giúp phát triển và xây dựng mối quan hệ với khách hàng.
1. Luôn luôn thân thiện. Yếu tố đầu tiên và cũng quan trọng nhất chính là thái độ của doanh nghiệp đối với khách hàng. Hãy thử tưởng tượng khi đi mua bất kỳ một sản phẩm, hay dịch vụ nào đấy mà lại bị đối xử không tốt, bị quát mắng, hay đưa ra yêu cầu mà không ai giải đáp,… thì liệu khách hàng có vui vẻ được không? có cảm thấy hài lòng không? và chắc chắn đấy là lần cuối cùng khách hàng đến với doanh nghiệp.
Hãy đặt địa vị mình là một khách hàng, trải nghiệm để thấu hiểu cũng như đối xử với khách hàng thật ân cần, nhẹ nhàng và tận tâm ngay từ khi mới bắt đầu tiếp xúc chỉ qua một email, hay một cuộc điện thoại. Luôn giải đáp bất cứ thắc mắc nào của khách hàng một cách kiên nhẫn cho dù đến cuối cùng họ không quyết định mua sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.
Vì chắc chắn làm như vậy, khi có nhu cầu khách hàng sẽ tìm tới doanh nghiệp đó trước tiên. Không những thế, họ có thể giới thiệu doanh nghiệp tới bạn bè, đồng nghiệp, gia đình của họ, vòng tròn khách hàng hoàn toàn được mở rộng ra. Đây chính là điều mà một doanh nghiệp cần đặc biệt là một doanh nghiệp du lịch, ngành nghề được xem như là “làm dâu trăm họ.”
2. Cá nhân hóa từng khách hàng. Gửi emai marketing chúc mừng khách hàng (đã và đang sử dụng dịch vụ, sản phẩm) vào ngày sinh nhật, lễ, Tết,… Đặc biệt, khi gửi một email tới khách hàng để giới thiệu, cho dù là gửi một lúc hàng nghìn người, hãy luôn luôn kèm theo tên của họ như “ Dear, Mr….”, “Mr…, thân mến”,… Điều này sẽ mang lại cho khách hàng cảm giác họ đặc biệt, họ được chăm sóc,, khiến họ đọc email mà bạn gửi chứ không phải là nhìn và lướt qua.
3. Hãy chia sẻ thật nhiều những hình ảnh ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời của khách hàng khi họ đang tận hưởng những chuyến đi do doanh nghiệp của bạn cung cấp.
4. Bắt lấy những dấu hiệu, những khách hàng tiềm năng. Có nhớ tuần trước khi nói chuyên với một người đàn ông tại bữa tiệc nướng, anh ta đã nhắc đến việc muốn booking một tour? Hãy liên hệ ngay với anh ta. Có thể sẽ có một khách hàng, một tour được book cũng có thể không, nhưng hãy nhớ liệt kê anh ta vào khách hàng tiềm năng. Cho dù bất kỳ ai cũng đều có thể trở thành khách hàng tiềm năng, hãy nắm bắt tất cả các cơ hội để khiến họ trở thành khách hàng trung thành.
5. Tách nhóm các khách hàng trung thành thường xuyên sử dụng dịch vụ, sản phẩm để trao tặng các phiếu quà tặng, mã code giảm giá tour,… Hay cơ chế thưởng với những người đã giới thiệu khách hàng cho công ty.
6. Tổ chức các mini game, các cuộc thi như bức ảnh đẹp nhất, cảm nhận hay nhất,… trên tất cả trang của công ty: website, facebook, instagram,… với những phần thưởng hấp dẫn như là một chuyến du lịch đà nẵng 4 ngày 3 đêm, giảm giá 40% tour hà nội – đà lạt, cho những người thắng cuộc. Lợi ích thu về được từ việc này là doanh nghiệp du lịch đó sẽ có thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các khách hàng tiềm năng để khai thác.
7. Gửi email cảm ơn mỗi khi khách hàng hoàn thành xong chuyến đi của họ và khuyến khích nhận xét, bình luận về chuyến đi trên các trang của doanh nghiệp cũng như gửi biểu mẫu đánh giá định kỳ hàng tháng để thu thập ý kiến giúp doanh nghiệp cải thiện, hoàn thiện hơn về sản phẩm dịch vụ.
8. Hãy thực hiện những video thú vị để ghi lại đánh giá tốt từ khách hàng. Việc này sẽ tạo ra cái nhìn trực diện đối với các khách hàng khác, khiến họ có thể yên tâm và tin tưởng vào doanh nghiệp hơn.
9. Khai thác mạnh mạng xã hội, giao lưu trực tuyến, forum nổi tiếng, phổ biến (facebook, twitter, go.vn, yume, zing me, VnEcon, Cyworld.vn, tamtay.vn,…) Tham gia tích cực trao đổi, post bài PR về lĩnh vực du lịch và doanh nghiệp đang cung cấp, giải đáp các thông tin liên quan, thông báo sự kiện… tất cả các vấn đề để nhằm mục đích mọi người biết tới doanh nghiệp du lịch đó, tăng lượng người tiếp cận với doanh nghiệp lên nhiều hơn.
10. Để khách hàng tự miêu tả sản phẩm hay dịch vụ mà họ mong muốn. Đôi lúc câu trả lời có thể hơi xa vời nhưng bạn sẽ phát hiện ra được những sở thích, xu hướng du lịch của khách hàng. Ví dụ như một nhân viên văn phòng rất thích đi du lịch, cô ấy chia sẻ với doanh nghiệp là mình rất mong muốn có thể trải nghiệm những chuyến đi tuyệt vời để thư giãn và giải tỏa căng thẳng nhưng lại không đủ thời gian để thực hiện khi các tour du lịch toàn từ 5-6 ngày mà cô thì ngày nào cũng phải đi làm.
Nhờ đó, doanh nghiệp du lich này đã tạo ra những tour du lịch ngắn ngày, những chuyến short trip để phục vụ những người bận rộn không có thời gian để du lịch bằng những tour tham quan chính thành phố nơi họ sống, những chuyến dã ngoại 1 ngày,… vào dịp nghỉ lễ hoặc các dịp cuối tuần.
Ngoài việc chú trọng xấy dựng và phát triển các mối quan hệ khách hàng, các doanh nghiệp cũng cần phải tự cải thiện hay nâng cao mình thông qua các kế hoạch, các hoạt động, kỹ năng và kiến thức.
1. Tham gia các hội nghị, triển lãm trong nước và quốc tế liên quan tới du lịch như ITE, VITM,… Tại đây, các doanh nghiệp có thể làm quen được với các doanh nghiệp khác đến từ Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, để có thể học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức và mở rộng cơ hội hợp tác.
2. Tham gia vào các sự kiện trực tuyến (webinar) để giúp bạn marketing, bán hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch tour tốt hơn.
3. Lên trước các kế hoạch và chiến dịch marketing cho mùa cao điểm, mùa thấp điểm.
4. Nghiên cứu dự báo của các chuyên gia cũng như tìm hiểu thêm các tài liệu du lịch của nước ngoài để bắt kịp cách vận hành cũng như xu hướng du lịch mới nhất.
5. Trang bị cho doanh nghiệp các công cụ tối ưu nhất như ứng dụng booking online hoặc một website thân thiện, dễ sử dụng và tương thích với các thiết bị di động để khách hàng có thể thuận tiện nhất khi booking.
6. Tham khảo các chương trình, chiến dịch tour của các công ty đối thủ để có thể học hỏi cũng như rút ra những kinh nghiệm cho riêng công ty mình.
7. Hãy thường xuyên gặp gỡ các lãnh đạo, các chuyên gia trong ngành để nói chuyện và học hỏi từ họ hay nhận được những lời khuyên hữu ích.
8. Lên kế hoạch marketing chi tiết và ghi lại những kết quả cho từng hoạt động kinh doanh cũng như các hoạt động giảm giá, khuyến mãi.
9. Trong đội ngũ của doanh nghiệp bao giờ cũng cần có một cố vấn dày dặn kinh nghiệm.
10. Xây dựng một hệ thống nội dung thật tốt bởi đây cũng chính là một kênh marketing vô cùng tốt cho mọi doanh nghiệp.