chia sẻ:

Xúc tiến du lịch là gì?

Cập nhật 13.07.2024 | Kiến thức

Xúc tiến du lịch có vai trò như đòn bẩy thúc đẩy phát triển Ngành Du lịch và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Vậy, xúc tiến du lịch là gì? Hoạt động xúc tiến du lịch được pháp luật quy định như thế nào? Bài viết sẽ cung cấp thông tin chi tiết dành cho bạn!
Xúc tiến du lịch là gì?

Xúc tiến du lịch là gì?

Tại Khoản 13, Điều 3 Luật Du lịch 2017, Xúc tiến du lịch là hoạt động nghiên cứu thị trường, tổ chức tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển và thu hút khách du lịch.

Nội dung xúc tiến du lịch

Theo quy định tại Điều 67 Luật Du lịch 2017, xúc tiến du lịch cần bao gồm những nội dung cơ bản sau:

  • Để thu hút khách du lịch cần quảng bá và giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình lao động sáng tạo của con người, bàn sắc văn hóa dân tộc
  • Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, vùng, địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu thị trường du lịch và xây dựng, quảng bá các sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách du lịch
  • Thực hiện tuyên truyền để nâng cao nhận thức về du lịch, góp phần đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, văn minh và phát huy truyền thống hiếu khách của dân tộc.
  • Vận động và tìm kiếm cơ hội, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Song song đó đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

>>> Xem thêm: Tiêu chí đánh giá chất lượng tour du lịch

Vai trò của xúc tiến du lịch

Phát triển thương hiệu du lịch quốc gia

Xúc tiến du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố thương hiệu du lịch của một quốc gia. Qua việc định vị hình ảnh, truyền tải thông điệp rõ ràng về giá trị và đặc trưng của điểm đến, quốc gia, điều này góp phần xây dựng hình ảnh tích cực trong tâm trí khách du lịch.

Khi thương hiệu du lịch được xây dựng đồng bộ và nhất quán, không chỉ giúp thu hút khách mà còn thu hút sự đầu tư, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường vị thế của Ngành Du lịch Việt Nam trên “bản đồ du lịch” thế giới.

>>> Xem thêm: DMO là gì? Vai trò của DMO trong phát triển điểm đến du lịch

Phát triển kinh tế

Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Khi xúc tiến du lịch, thúc đẩy sự phát triển của Ngành Du lịch, lượng khách du lịch sẽ tăng lên, làm tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Ngoài ra, sự tăng trưởng của Ngành Du lịch còn thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế liên quan như vận tải, xây dựng và thương mại, từ đó mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho nền kinh tế quốc gia.

Mở ra cơ hội hợp tác quốc tế

Xúc tiến du lịch là gì

Thông qua các hoạt động quảng bá, các quốc gia có thể giới thiệu hình ảnh của mình ra thế giới, từ đó thu hút sự quan tâm của du khách và các đối tác tiềm năng. Các quốc gia có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và phát triển các chương trình du lịch chung như các tour liên kết giữa nhiều điểm đến hoặc các sự kiện quốc tế. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho du lịch mà còn góp phần vào việc tăng cường giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế khu vực.

Quy định về hoạt động xúc tiến du lịch

Hoạt động xúc tiến du lịch là một trong những hoạt động vô cùng quan trọng, được đặt dưới sự thực hiện của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ khác nhau. Cụ thể, hoạt động xúc tiến du lịch được quy định tại Điều 67 Luật Du lịch 2017 như sau:

  • Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch là cơ quan có thẩm quyền xây dựng, tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch cấp quốc gia và tiến hành điều phối các nội dung xúc tiến du lịch liên vùng, liên tỉnh
  • Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp tiến hành xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch theo lĩnh vực và địa bàn quản lý phù hợp với chiến lược, kế hoạch, chương trình xúc tiến quốc giao theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình
  • Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân liên quan chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch trong phạm vi trong và ngoài nước phù hợp với chiến lược, kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia; thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại nước ngoài. Chi phí hoạt động xúc tiến du lịch của các doanh nghiệp sẽ được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

Tựu chung lại, xúc tiến du lịch đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển bền vững của Ngành Du lịch Việt Nam. Với những nội dung và hoạt động được quy định rõ ràng, xúc tiến du lịch không chỉ giúp thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mà còn góp phần xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế và mở ra cơ hội hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong việc triển khai các chương trình xúc tiến để nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên “bản đồ du lịch” thế giới.