Cập nhật 11.11.2024 | Chuyển đổi số
Trí tuệ nhân tạo AI đang định hình sâu sắc tương lai của Ngành Du lịch thông qua cải thiện đáng kể hiệu quả vận hành doanh nghiệp cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng. Dưới đây là một số ứng dụng nổi bật của AI tới Ngành Du lịch.
Chatbot là một phần mềm được lập trình nhằm hỗ trợ giao tiếp và tương tác với khách hàng tự động, thông qua các nền tảng nhắn tin như Messenger, Zalo, WhatsApp hoặc ngay trên website du lịch của doanh nghiệp. Chúng cho phép trả lời câu hỏi, cung cấp thông tin cơ bản cho khách hàng mà không cần sự can thiệp của con người như: thông tin về chuyến bay, khách sạn, dịch vụ du lịch, chính sách hoàn trả,...
Chatbot sử dụng AI để học hỏi và phân tích hành vi khách hàng, từ đó có thể cung cấp những gợi ý phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Ví dụ, khi khách hàng tìm kiếm tour du lịch biển, chatbot có thể giới thiệu các điểm đến nổi tiếng, các gói tour phù hợp hoặc các dịch vụ đặc biệt liên quan đến du lịch biển.
Ngoài ra, nhiều chatbot hiện nay được tích hợp khả năng nhận diện và giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, giúp doanh nghiệp du lịch phục vụ khách hàng quốc tế một cách hiệu quả hơn.
Hiện nay, một số đại lý du lịch có thị phần lớn như Booking.com hoặc Expedia đang tích cực sử dụng các giải pháp như thế này trong hoạt động hàng ngày của họ. Thông thường, khách truy cập trang web của họ sẽ nhận được lời gợi ý bắt đầu cuộc trò chuyện với chatbot ngay sau khi nhập thông tin chi tiết về chuyến đi. Sau đó, chatbot sẽ tìm kiếm thông tin từ nhiều trang web khác nhau để đưa ra các giao dịch phù hợp nhằm tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Việc sử dụng chatbot thay thế cho nhân viên chăm sóc khách hàng có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí vận hành, đồng thời cải thiện trải nghiệm khách hàng bằng cách cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác.
Hiện nay, Robot dịch vụ khách hàng trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng nhiều trong du lịch nhằm hỗ trợ khách hàng tại các sân bay, khách sạn và các điểm du lịch.
Những robot này không chỉ có thể giao tiếp trực tiếp với khách hàng mà còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như làm thủ tục check-in, cung cấp thông tin về dịch vụ du lịch và hỗ trợ khách trong suốt chuyến đi của họ.
Một ví dụ điển hình về robot dịch vụ khách hàng là Connie - robot lễ tân được triển khai tại chuỗi khách sạn Hilton. Connie được phát triển trên nền tảng IBM Watson AI, kết hợp với kiến thức chuyên môn của Wave Blazer và có khả năng trả lời các câu hỏi của khách hàng về các dịch vụ của khách sạn, điểm tham quan địa phương và các khuyến nghị du lịch. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, Connie còn có thể di chuyển để chỉ đường cho khách, giúp họ dễ dàng tìm thấy phòng của mình hoặc các tiện ích trong khách sạn.
Thêm vào đó, Connie có thể thể hiện cảm xúc của con người thông qua màu sắc. Một điểm nổi bật khác của Connie là khả năng học hỏi và cải thiện từ các tương tác trước đó với khách hàng. Nhờ vậy, Connie ngày càng trở nên thông minh hơn và có thể cung cấp những dịch vụ tốt hơn qua mỗi lần tiếp xúc.
Nhìn chung, việc sử dụng robot dịch vụ khách hàng mang lại lợi ích lớn trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhân viên, từ đó giúp cắt giảm chi phí vận hành và đồng thời nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách hàng.
Trong ngành du lịch, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ giới hạn ở các công cụ tương tác với khách hàng mà còn được ứng dụng trong việc xử lý và phân tích dữ liệu.
Thông qua các thuật toán học máy (Machine learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big data), AI có thể sàng lọc và phân tích dữ liệu về hành vi khách hàng, thói quen đặt phòng, lịch sử tìm kiếm chuyến bay, đánh giá dịch vụ cũng như các yếu tố thị trường khác. Từ đó giúp doanh nghiệp du lịch nhận diện xu hướng, nhu cầu của khách hàng và đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.
Ngoài ra, AI cũng có thể hỗ trợ tối ưu hóa chiến lược giá của các sản phẩm dịch vụ du lịch. Việc phân tích dữ liệu về giá cả, sự biến động của thị trường, phản ứng của khách hàng với các mức giá khác nhau, hỗ trợ doanh nghiệp có thể đưa ra các mức giá tối ưu mà vẫn thu hút được khách hàng.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành công cụ quan trọng trong việc cải thiện và tối ưu hóa quy trình dự báo chuyến bay, mang lại lợi ích cho cả hành khách và các hãng hàng không.
AI có thể phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều nguồn, bao gồm lịch sử chuyến bay, thông tin về thời tiết, tình trạng các sân bay,... để đưa ra những dự báo chính xác về thời gian cất cánh, hạ cánh và các tình huống có thể xảy ra như trì hoãn hay hủy chuyến bay.
Ngoài ra, các ứng dụng dự báo chuyến bay còn giúp đưa ra những khuyến nghị cho hành khách về thời điểm tốt nhất để đặt vé. Điển hình như Ứng dụng đặt vé du lịch Hopper đã sử dụng AI để phân tích giá vé máy bay và dữ liệu thời gian thực, từ đó cung cấp những gợi ý về thời điểm giá vé tốt nhất cho khách hàng. Cơ sở dữ liệu khổng lồ của các công cụ này giúp dự đoán các biến động giá vé trong tương lai và cung cấp thông tin đáng tin cậy cho khách hàng.
Quản lý giá động (Dynamic Pricing) là một chiến lược điều chỉnh giá sản phẩm hoặc dịch vụ trong thời gian thực, dựa trên các yếu tố như nhu cầu của thị trường, tình trạng nguồn cung, hành vi khách hàng và các yếu tố ngoại vi khác. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ AI để tối ưu chiến lược giá, giúp linh hoạt điều chỉnh giá cả và tối đa hóa lợi nhuận.
Bằng cách áp dụng giá động dựa trên phân tích dữ liệu, các doanh nghiệp có thể gia tăng số lượng đơn đặt phòng trực tiếp và giảm sự phụ thuộc vào các đại lý du lịch trực tuyến. AI giúp việc điều chỉnh giá trở nên linh hoạt và thông minh hơn, đảm bảo rằng mức giá luôn phù hợp với tình hình thị trường.
Ví dụ, vào mùa du lịch cao điểm, AI có thể tự động tăng giá để tối ưu hóa lợi nhuận. Ngược lại, khi nhu cầu giảm, hệ thống sẽ giảm giá để thu hút khách hàng và kích thích khách hàng đặt dịch vụ.
Trong Ngành Du lịch, việc quản lý các kênh phân phối hiệu quả là yếu tố quan trọng để tối đa hóa doanh thu và đảm bảo sản phẩm du lịch tiếp cận đúng đối tượng khách hàng. Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang là một công cụ đột phá giúp tối ưu hóa quy trình quản lý kênh phân phối, mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho doanh nghiệp.
Các công cụ AI có thể theo dõi các nền tảng phân phối như các đại lý du lịch trực tuyến (OTA), hệ thống phân phối toàn cầu (GDS), hoặc công cụ tìm kiếm so sánh giá, tự động cập nhật giá và điều chỉnh chiến lược phân phối để đảm bảo tối đa hóa doanh thu.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp du lịch là việc quản lý thông tin, giá cả và các ưu đãi trên nhiều kênh phân phối khác nhau. AI có thể tự động đồng bộ hóa tất cả các nền tảng phân phối, giúp doanh nghiệp duy trì tính nhất quán trong thông tin và giá cả. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo rằng khách hàng luôn nhận được giá trị đúng với dịch vụ.
Đặc biệt, các thuật toán AI có khả năng tự động phân tích và điều chỉnh các yếu tố mô tả sản phẩm như: hình ảnh, video, thông tin dịch vụ,... nhằm thu hút khách hàng mục tiêu. Với khả năng phân tích hành vi khách hàng và dữ liệu thị trường, AI sẽ tạo ra những nội dung phù hợp hơn, từ đó cải thiện tỷ lệ chuyển đổi trên các nền tảng OTA, GDS.
Một ví dụ điển hình trong ứng dụng AI để quản lý kênh phân phối là phần mềm Property View của HotelPort. Phần mềm này sử dụng AI để theo dõi và quản lý nội dung khách sạn trên nhiều kênh phân phối khác nhau. Từ đó phát hiện sự không đồng nhất trong việc trình bày thông tin và tự động đề xuất các chỉnh sửa để cải thiện chất lượng nội dung.
>>> Xem thêm:18 ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành du lịch
IoT đã tạo ra một hệ sinh thái kết nối giữa các thiết bị thông minh giúp doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa các quy trình vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các thiết bị IoT có thể thể thu thập và truyền tải dữ liệu trong thời gian thực từ khách sạn, sân bay, phương tiện di chuyển, giúp doanh nghiệp nắm bắt được các yếu tố ảnh hưởng đến hành trình của khách hàng.
Ngoài ra, việc thu thập và phân tích dữ liệu từ các thiết bị IoT cũng giúp doanh nghiệp cải thiện quản lý tài nguyên và vận hành, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí. Các khách sạn, có thể sử dụng các cảm biến IoT để kiểm soát hệ thống chiếu sáng, nhiệt độ và các thiết bị điện tử trong phòng. Hay tại các sân bay, IoT giúp theo dõi số lượng người, tối ưu hóa việc phân bổ hành khách tại các khu vực, làm giảm tình trạng quá tải gây bất tiện cho hành khách.
Blockchain đang mở ra một tương lai mới cho Ngành Du lịch, đặc biệt trong việc cải thiện bảo mật và tính minh bạch của các giao dịch tài chính và thanh toán.
Công nghệ này sử dụng các sổ cái phân tán để lưu trữ và xác minh các giao dịch mà không cần sự tham gia của các bên trung gian, giúp giảm thiểu rủi ro từ các lỗ hổng bảo mật. Với Blockchain, mọi giao dịch đều được ghi lại dưới dạng các "khối" dữ liệu liên kết với nhau, tạo nên một chuỗi bảo mật và không thể thay đổi.
Khách hàng trong Ngành Du lịch có thể thực hiện thanh toán trực tuyến nhanh chóng, an toàn mà không lo ngại về việc thông tin cá nhân bị đánh cắp thông qua việc mã hóa thông tin cá nhân, giúp ngăn ngừa các mối đe dọa về gian lận và lạm dụng dữ liệu.
>>> Xem thêm: Ứng dụng Blockchain trong du lịch
Việc sử dụng giọng nói để tìm kiếm và đặt dịch vụ đã trở nên phổ biến nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. AI giúp cải thiện khả năng nhận diện giọng nói và phản hồi của các hệ thống tìm kiếm, giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm các dịch vụ du lịch chỉ bằng cách nói chuyện.
Chẳng hạn, khách hàng có thể yêu cầu các trợ lý ảo như Google Assistant, Amazon Alexa hay Siri để tìm kiếm thông tin về chuyến bay, khách sạn, hoặc các hoạt động du lịch mà không cần phải gõ vào thiết bị. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mang đến một trải nghiệm tiện lợi, nhanh chóng cho người dùng.
AI hiện đang được ứng dụng để hỗ trợ khách hàng lên kế hoạch chuyến đi một cách thông minh và hiệu quả hơn. Các ứng dụng AI có thể phân tích dữ liệu về sở thích, ngân sách và lịch trình của khách hàng, từ đó đưa ra những gợi ý phù hợp về điểm đến, chuyến bay, khách sạn và các hoạt động trong suốt chuyến đi.
Các thuật toán AI có thể học từ các lựa chọn trước đó của người dùng, đưa ra các đề xuất mang tính cá nhân hóa và chính xác, giúp giảm thiểu thời gian tìm kiếm và lên kế hoạch cho chuyến đi.
Với sự cải tiến của các hệ thống nhận diện giọng nói, AI đã giúp cho việc tìm kiếm và đặt dịch vụ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thay vì phải sử gõ từ khóa vào công cụ tìm kiếm, khách hàng chỉ cần nói ra yêu cầu của mình và AI sẽ tự động cung cấp kết quả phù hợp. Các công cụ trợ lý ảo như Google Assistant, Amazon Alexa hay Siri là những ví dụ điển hình cho công nghệ này.
Người dùng có thể yêu cầu chúng cung cấp thông tin về chuyến bay, khách sạn, các tour du lịch hoặc thậm chí tìm kiếm các hoạt động giải trí tại điểm đến mà không cần phải nhập liệu vào thiết bị. Chỉ cần một câu lệnh đơn giản, hệ thống sẽ phản hồi ngay lập tức, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người dùng.
Dịch thuật bằng AI đang trở thành một công cụ đột phá giúp các doanh nghiệp trong Ngành Du lịch loại bỏ rào cản ngôn ngữ và phục vụ khách hàng quốc tế một cách hiệu quả. Các hệ thống này có thể dịch các đoạn văn bản, hội thoại thậm chí cả các cuộc trò chuyện trực tiếp giữa khách hàng và nhân viên du lịch.
Điển hình như các nền tảng dịch thuật Google Translate, DeepL và Microsoft Translator đã được cải tiến để cung cấp các bản dịch nhanh chóng, chuẩn xác, giúp khách hàng quốc tế dễ dàng tìm hiểu thông tin về dịch vụ du lịch mà không cần đến phiên dịch thủ công.
Ngoài ra, AI còn giúp các công ty du lịch tối ưu hóa các tài liệu quảng cáo, website và nội dung marketing của mình bằng cách dịch các bài viết, mô tả sản phẩm hoặc dịch vụ sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, giúp họ dễ dàng tiếp cận và phục vụ khách hàng toàn cầu.
Tóm lại, việc ứng dụng AI trong Ngành Du lịch đang ngày càng trở nên phổ biến và mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong ngành. Với sự phát triển không ngừng, AI sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới và thúc đẩy sự phát triển bền vững của Ngành Du lịch trong tương lai.