chia sẻ:

Khai thác hiệu quả dữ liệu từ khu vực công tạo thêm động lực tăng trưởng

Cập nhật 11.06.2024 | Báo chí

Ngày 28/12, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức Tọa đàm “Khai thác hiệu quả dữ liệu trong khu vực Nhà nước trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và quyền riêng tư của công dân”.
Khai thác hiệu quả dữ liệu từ khu vực công tạo thêm động lực tăng trưởng

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), công nghệ số và dữ liệu tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản trị công và thực thi các chức năng của nền hành chính nhà nước.

Trong ngắn hạn và trung hạn, nếu khai thác được tiềm năng dữ liệu, sẽ giúp đổi mới hệ thống hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị - điều hành, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khối cơ quan công quyền. Đồng thời, giúp bộ máy nhà nước cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Về dài hạn, nếu có chiến lược và lộ trình “mở” kho tài nguyên dữ liệu một cách hợp lý, khối dữ liệu từ khu vực công có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn lao, tạo thêm động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo việc làm và góp phần nâng cao hiệu suất của nền kinh tế.

Dù số lượng các trường hợp điển hình ứng dụng công nghệ số và khai thác dữ liệu còn khá ít ỏi, tuy nhiên thành công bước đầu của những ví dụ trải rộng từ cấp bộ, ngành; đến các các địa phương minh chứng rõ ràng cho tiềm năng nêu trên.

Ở cấp độ ngành, ví dụ như thuế, bảo hiểm xã hội Việt Nam “số hóa” hoàn chỉnh quy trình kê khai, nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, giúp doanh nghiệp không còn phải “tiếp xúc trực tiếp với chính quyền”. Đặc biệt, thí điểm ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn giúp ngành bảo hiểm xã hội phát hiện ra các trường hợp gian lận trong chi trả bảo hiểm y tế.

Tỉnh Thừa thiên Huế cũng thí điểm bước đầu bước đầu về sử dụng dữ liệu để kiểm tra tính hợp lý và hợp lệ của chi trả hỗ trợ xã hội trong giai đoạn dịch Covid-19. Ở cấp độ địa phương, hệ thống dữ liệu báo cáo giúp Thành phố Hồ Chí Minh tự tin đề xuất thí điểm bỏ “tổ dân phố”.

PGS. TS Hoàng Hữu Hạnh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thông tin, Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn) đã được khởi động từ tháng 8/2020 để thúc đẩy mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ số phục vụ chuyển đổi số kinh tế - xã hội.

Cổng dữ liệu quốc gia là điểm đầu mối truy cập thông tin, dữ liệu trên mạng Internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước. Trên 10.000 bộ dữ liệu mở của 12 lĩnh vực đã được công bố trên Cổng.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho biết, trong cuộc họp của Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023 là năm của dữ liệu. Chúng ta quyết tâm phải xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, dứt khoát không bảo thủ, cát cứ. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ chuyển đổi số quan trọng nhất là kết nối dữ liệu.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, với Việt Nam, hệ thống dữ liệu khu vực công đang có là rất lớn. Khai thác giá trị dữ liệu công trên cơ sở đảm bảo an toàn dữ liệu công dân một cách tối ưu sẽ giúp tăng hiệu quả khu vực công, tăng hiệu quả cơ quan hành chính và công chức trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Bên cạnh đó, việc phân loại dữ liệu ở cấp độ chính xác là rất quan trọng đối với an toàn thông tin, tiết kiệm chi phí và hoạt động hiệu quả của các cơ quan chính phủ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quyết Tâm, Giám đốc Công ty CP VietISO cho rằng, vướng mắc trong xây dựng và khai thác dữ liệu hiện nay đó là, các hệ thống cần có một tiêu chuẩn chung đảm bảo cho việc kết nối với nhau tạo thành hệ sinh thái. Hiện tại, các hệ thống chưa thống nhất về tiêu chuẩn chung nên việc kết nối giữa các hệ thống còn gặp nhiều khó khăn.

"Nhiều cơ quan, tổ chức còn tâm lý phòng thủ, chưa sẵn sàng chia sẻ dữ liệu mà mình sở hữu; quá trình tổ chức dữ liệu lưu trữ của doanh nghiệp chưa khoa học dẫn đến lúng túng về phân quyền khi chia sẻ lên các nền tảng" - ông Nguyễn Quyết Tâm nêu.

Theo các chuyên gia, khu vực công ở Việt Nam cần gấp rút xác định được cách tiếp cận, xác lập được thứ tự ưu tiên phù hợp trong triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu và cách thức khai thác dữ liệu. Các công việc cụ thể cần làm gồm:

Thứ nhất, về mặt tiếp cận, cần xác lập được tầm nhìn và mục tiêu lấy dữ liệu làm trung tâm cho tiến trình “chuyển đổi số” ở các cơ quan nhà nước.

Hình thành văn hóa làm việc dựa trên dữ liệu. Đồng thời, coi an toàn và quyền riêng tư dữ liệu cá nhân của công dân yếu tốđặc biệt quan trọng trong mọi công việc liên quan đến thu thập, xửlý, chia sẻ, khai thác dữliệu của cơ quan công quyền.

Thứ hai, mỗi ngành, mỗi địa phương cần có khung kiến trúc về dữ liệu; tiêu chuẩn của từng loại dữ liệu - để làm nền tảng cho xây dựng một "kho" dữ liệu quốc gia, địa phương.

Thứ ba, lộ trình “mở” dữ liệu để khai thác đi qua các bước, với thứ tự ưu tiên gồm: Khai thác nội bộ giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong cùng ngành (chiều dọc); cùng địa phương (chiều ngang); “mở” có thu phí đối với một số giao dịch dữ liệu (ví dụ dịch vụ xác thực eKYC); và sau cùng là thí điểm dữ liệu mở (open data).

Thứ tư, sự tham gia của khu vực tư nhân - tức các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ là chìa khóa của tiến trình này.

Cuối cùng, và cũng đặc biệt quan trọng, dữ liệu không thể mở ra để sử dụng bên ngoài khu vực nhà nước nếu không có một luật (và sau đó là quy định chi tiết dưới luật) về dữ liệu cá nhân. Do đó, xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân là nền tảng cho các bước đi dài hạn để khai thác được dữ liệu do khu vực công tạo ra, mà không tổn hại đến quyền riêng tư và sự an toàn của mỗi công dân.

Nguồn: Báo Công Thương