chia sẻ:

9 tiêu chí cần có của Hướng dẫn viên du lịch

Cập nhật 07.02.2020 | Kiến thức

Hướng dẫn viên du lịch là một trong những ngành nghề đầy năng động và đáng làm nhất trong lĩnh vực du lịch. Bạn có thể gặp được những người tuyệt vời từ khắp nơi trên thế giới, bạn có thể chiêm ngưỡng nhiều địa danh du lịch ấn tượng, bạn có thể kiếm tiền/ gia tăng thu nhập trong cả những kỳ nghỉ lễ. Nhưng điều đó không hẳn là dễ dàng…

Để trở thành một Hướng dẫn viên thực thụ, bạn cần hội tụ một số tiêu chí dưới đây!
9 tiêu chí cần có của Hướng dẫn viên du lịch

1. Có sức lôi cuốn

Một chương trình Tour du lịch có thể có từ 1 du khách, 10 du khách hoặc lên tới 30 - 40 du khách, tuy nhiên chỉ có 1 hướng dẫn viên du lịch. Một số đoàn đông hoặc tùy thuộc vào yêu cầu của khách mà số lượng hướng dẫn viên có thể nhiều hơn 1. Tuy nhiên, mỗi khách trong chuyến du lịch đều tìm kiếm thông tin và quan trọng là sự giải trí từ hướng dẫn viên của họ trong phần lớn thời gian đi tour. Vì vậy, hướng dẫn viên du lịch cần có sức lôi cuốn. Rất nhiều và rất nhiều sức lôi cuốn để tạo sức hút đối với du khách.

Sức hút có thể có một cách tự nhiên (người ta thường gọi như là bản năng hay năng khiếu) nhưng cũng có thể được trau dồi qua quá trình luyện tập. Mỗi ngày dẫn tour, hãy tìm kiếm cơ hội để tạo sự lôi cuốn đối với du khách. Chẳng hạn như điều chỉnh âm giọng dễ nghe hơn, tươi vui hơn, kể một số câu chuyện hài hước hay ví von thú vị,... Cần lưu ý rằng, không phải cứ nói to, tăng âm lượng để thu hút sự chú ý. Điều mà du khách cần đó là gương mặt của bạn, thái độ của bạn, ngữ giọng của bạn, những thông tin và câu chuyện thú vị của bạn.

2. Có kiến ​​thức

Bạn có thể là hướng dẫn viên du lịch có duyên và độ lôi cuốn tuyệt vời nhưng nếu không hiểu rõ về công việc, về nhiệm vụ chính của mình thì trước sau, sớm muộn gì bạn cũng sẽ mất đi “khán giả” - những khách du lịch đang lắng nghe bạn hành trình tour.

Công việc của một hướng dẫn viên du lịch là cung cấp cho khách du lịch những thông tin chi tiết về điểm đến, về địa phương nơi mà cả đoàn ghé thăm. Đó có thể là giới thiệu về lịch sử của điểm đến (quá trình hình thành, phát triển, thành tích, chứng nhận,...), thông tin về khí hậu, con người, văn hóa, phong tục tập quán, sự kiện,... của điểm đến. Hãy đảm bảo rằng bạn có thể nắm rõ mọi thứ và có thể trả lời câu hỏi của du khách trong chuyến tham quan. Tất nhiên, mọi thứ ở đây không phải là từng thông tin chi tiết về tất cả mọi mặt. Nếu chưa trả lời được, bạn có thể lưu lại, tìm hiểu thêm và trả lời tốt hơn vào những lần sau.

3. Giao tiếp tốt

Nếu bạn cực kỳ hiểu biết và có sức lôi cuốn nhưng bạn không tương tác với những người lắng nghe của mình, điều đó dễ khiến họ có cảm giác như đang đi theo giáo viên lịch sử vậy. Cảm giác như tất cả chỉ là một chiều về mặt giao tiếp.

Kỳ nghỉ không phải là chỉ đi hay ngồi và lắng nghe người khác mà là để trò chuyện và gặp gỡ mọi người. Đây có thể là những người bạn đồng hành hoặc những người hướng dẫn họ trong các chuyến tham quan. Đảm bảo tương tác với những người bạn đang hướng dẫn và mang đến cho họ thêm một người nữa để họ ghi nhớ chuyến đi của mình.

4. Kể chuyện giỏi

Mọi người thích nghe về lịch sử của một thành phố hoặc những sự thật đằng sau dòng sông băng nhưng họ cũng thực sự rất thích nghe các câu chuyện. Kể chuyện không phải là một công việc đơn giản, nó phụ thuộc vào thời gian, độ dài của câu chuyện, các tình tiết (nếu có).

Việc của bạn là cân đối thời gian để bắt đầu một câu chuyện, dẫn dắt hợp lý và quyết định câu chuyện sẽ kéo dài bao lâu. Tất nhiên, câu chuyện nếu được thì có liên quan tới điểm đến hoặc chuyến tham quan là tốt nhất, nếu không, câu chuyện cũng không nên không có chút liên quan nào tới mọi thứ. Bạn cần luyện đi luyện lại nhiều lần cho tới khi việc kể chuyện trở nên thành thạo. Một số hướng dẫn viên chuyên nghiệp thường “dắt tút” từ 5-7 câu chuyện để kể trong hầu hết các chuyến tham quan mà họ dẫn.

5. Có kỹ năng tổ chức tốt

Hành trình đã được công ty tổ chức tour du lịch thống nhất với khách hàng, do đó khoảng thời gian tại mỗi điểm đến đã được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng tour cũng như sức khỏe của du khách. Việc của bạn là kiểm tra hành trình, nắm bắt chính xác khoảng thời gian cần có tại mỗi điểm. Từ đó, bạn có thể cân đối dung lượng các thông tin có thể cung cấp, phân bổ thời gian hợp lý để du khách tự do tham quan, khám phá và tập hợp đoàn một cách chuẩn xác.

Bên cạnh đó, bạn có thể phải giữ nhiều vé thắng cảnh hoặc vé bus, vé thuyền, đôi khi bạn cũng phải tiến hành đặt dịch vụ, kiểm soát dịch vụ và thanh toán chi phí dịch vụ của các nhà cung cấp do công ty du lịch gửi. Vì vậy, việc tập trung vào công tác tổ chức và kiểm soát đoàn được xem là chìa khóa kỹ năng không thể thiếu của hướng dẫn viên du lịch.

>> Xem thêm: Biểu mẫu quản lý hệ thống Nhà cung cấp dịch vụ du lịch

6. Có khiếu hài hước

Bạn không cần phải là một diễn viên hài kịch mới có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch, nhưng có thể làm mọi thứ trở nên sống động bằng một trò đùa, trò chơi nhỏ vui nhộn. Đừng trêu trọc du khách, bạn có thể tự “giễu” bản thân ở mức độ vừa phải để nhận được nụ cười từ các khán giả của mình. Một số phương pháp khác có thể bao gồm đưa sự hài hước vào những câu chuyện mà mình kể, tạo sự vui vẻ hoặc có thể tạo một tình huống hài ngay tại chỗ. Giống như sức lôi cuốn, việc có khiếu hài hước nhiều khi là bản năng hoặc cũng có thể là do luyện tập mà thành.

7. Có sự đồng cảm

Khi bạn làm việc và giao tiếp với nhiều người trong nhiều tình huống khác nhau, đôi khi bạn buộc phải thấy mình trong những tình huống của một số thành viên trong đoàn du lịch của mình. Sự đồng cảm là chìa khóa. Du khách trong đoàn của bạn vừa được tin xấu ở quê nhà hoặc ai đó bị khuyết tật. Hãy thử đặt mình vào vị trí của họ để có thể đưa ra phương án xử lý như an ủi, động viên hoặc cố gắng làm cho họ thoải mái hơn trong chuyến đi. Với sự đồng cảm, bạn có thể hiểu và giải quyết được vấn đề tốt hơn.

8. Tinh thần sẵn sàng

Là một hướng dẫn viên du lịch, mỗi chuyến đi của bạn có thể không thể đoán trước được. Thời tiết có thể thay đổi nhanh chóng, khách du lịch có thể rất khác so với đoàn trước đó. Điều quan trọng là phải có sự linh hoạt, chuẩn bị sẵn sàng và khả năng ứng biến tốt.Sẽ mất thời gian để có thể lập kế hoạch cho mọi tình huống, nhưng điều quan trọng là phải học mỗi khi điều gì đó xảy ra.

Để sẵn sàng cho mọi chuyến đi, bạn cũng cần chuẩn bị trước các đồ dùng cần thiết để đảm bảo sức khỏe của bản thân. Đó có thể là thuốc uống, dụng cụ sơ cứu cơ bản, phục trang phù hợp thời tiết,...

9. Có đam mê làm Hướng dẫn viên du lịch

Nếu bạn không hào hứng với những gì mình làm hoặc không sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm với những người mới, thì hướng dẫn viên du lịch có lẽ không phải là công việc phù hợp với bạn. Niềm đam mê thực sự với những gì bạn làm sẽ giúp bạn tỏa sáng, vì vậy hãy luôn nhớ chia sẻ niềm đam mê đó với bạn bè và du khách của mình. Bạn sẽ nhận được nhiều đánh giá và chia sẻ của họ về bạn, điều này giúp bạn phát triển bản thân tốt hơn, công việc suôn sẻ hơn và tất nhiên là thu nhập ngày càng tăng cao.

Trên đây là “9 tiêu chí cần có của Hướng dẫn viên du lịch”. Để đạt được những yếu tố này cần có tinh thần học tập và trau dồi không ngừng nghỉ, đặc biệt là niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề. Chỉ như vậy, bạn mới có thể trở thành một Hướng dẫn viên du lịch thực thụ.