chia sẻ:

Tour Inbound là gì? Tour Outbound là gì?

Cập nhật 15.05.2024 | Kiến thức

Tour Inbound và Tour Outbound là hai thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực du lịch. Vậy Tour Inbound là gì? Tour Outbound là gì? Chúng có đặc điểm gì và vai trò như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Tour Inbound là gì? Tour Outbound là gì?

1. Tour Inbound là gì?

Tour Inbound là loại hình tour du lịch được tổ chức dành cho du khách đến từ nước ngoài thăm quan và khám phá quốc gia sở tại. Ví dụ: Tour du lịch được tổ chức dành cho khách Mỹ, người Việt Nam định cư tại Mỹ đến Việt Nam.

Tour Inbound là gì

2. Đặc điểm của Tour du lịch Inbound

Đối tượng khách: Đối tượng tham gia vào tour Inbound thường là những du khách đến từ các quốc gia khác có mong muốn khám phá và trải nghiệm văn hóa, danh lam thắng cảnh, ẩm thực và lối sống địa phương tại điểm đến.

Phạm vi thị trường rộng lớn, không bị phụ thuộc vào một thị trường khách cụ thể: Tour inbound không chỉ nhắm đến một nhóm du khách từ một quốc gia hay khu vực nhất định mà có thể thu hút du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Không bị phụ thuộc vào cuối tuần như du lịch nội địa: Khách du lịch quốc tế không chỉ đến đông vào dịp cuối tuần hay dịp lễ mà các ngày thông thường cũng thu hút rất nhiều du khách, bởi khách du lịch quốc tế thường có kỳ nghỉ lễ dài hoặc nghỉ phép năm để đi du lịch.

Hướng dẫn viên: Hướng dẫn viên là những người địa phương am hiểu về văn hóa, lịch sử và điểm du lịch, có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ của khách du lịch.

Bị ảnh hưởng bởi chính sách giữa các quốc gia: Tour du lịch inbound có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách giữa các quốc gia, bao gồm các quy định về thị thực, an ninh, y tế và các yêu cầu nhập cảnh khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc tổ chức và thực hiện tour, đôi khi có thể dẫn đến sự thay đổi hoặc hủy bỏ lịch trình tour.

3. Vai trò của Tour du lịch Inbound

Đối với khách du lịch

Tour Inbound cung cấp cơ hội cho du khách cơ hội tiếp xúc với những nền văn hóa, phong tục, tập quán tại đất nước mà họ ghé thăm.

Vai trò của Tour Inbound

Họ sẽ được trải nghiệm trực tiếp lối sống của người dân địa phương thông qua tham gia vào các hoạt động hàng ngày, mua sắm tại các chợ địa phương, thăm nhà dân, tham gia vào các hoạt động nghệ thuật và lễ hội truyền thống,...

Đồng thời, thông qua Tour du lịch Inbound, du khách có thể khám phá, thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo và ẩm thực phong phú tại điểm đến.

Đối với doanh nghiệp du lịch

Tour Inbound có thể mang lại nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp du lịch kinh doanh lữ hành quốc tế nhận khách. Tour inbound thường có giá trị cao hơn so với các tour trong nước, do đó, doanh nghiệp du lịch có thể thu được doanh số bán hàng và lợi nhuận lớn hơn từ việc tổ chức các tour này.

Du khách quốc tế cũng thường có xu hướng chi tiêu cao hơn, từ đó doanh nghiệp bán được nhiều dịch vụ với mức giá cao hơn, giúp tăng trưởng doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Đồng thời, thông qua việc cung cấp các dịch vụ du lịch chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế, doanh nghiệp có thể xây dựng danh tiếng trong cộng đồng. Qua đó thu hút được một lượng lớn du khách và tạo nguồn thu ổn định từ thị trường này.

Đối với kinh tế địa phương

Khi du khách quốc tế đến thăm một quốc gia hoặc khu vực nào đó, họ thường chi tiêu cho các dịch vụ và sản phẩm địa phương như lưu trú, ẩm thực, vận chuyển, mua sắm và các hoạt động giải trí. Những khoản chi tiêu này có thể trực tiếp đóng góp vào thu nhập của các doanh nghiệp và dịch vụ du lịch địa phương, từ đó tạo ra nguồn thu mới, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương nói riêng và Ngành Du lịch của quốc gia đó nói chung.

Theo Tổng Cục Thống kê, trong tháng 1/2024, lượng du khách Inbound đến Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu người (tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023), doanh thu từ dịch vụ ăn uống, lưu trú trong tháng 1/2024 ước đạt 58,9 nghìn tỷ đồng (tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023), doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 4,4, nghìn tỷ đồng.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%”.

Như vậy có thể thấy, du lịch Inbound đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nói chung của Ngành Du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước Việt Nam bản đồ Du lịch quốc tế.

4. Tour Outbound là gì?

Tour Outbound là loại hình tour du lịch được tổ chức dành cho du khách tại quốc gia sở tại đến thăm quan và khám phá quốc gia khác. Ví dụ: Tour du lịch được tổ chức dành cho công dân Việt Nam đi du lịch tới Hàn Quốc.

Tour Outbound là gì

5. Đặc điểm của Tour du lịch Outbound

Đối tượng khách: Tham gia vào Tour Outbound thường là những người dân địa phương, có mong muốn khám phá và trải nghiệm các điểm đến ở các quốc gia khác.

Hình thức tổ chức: Để xây dựng, tổ chức Tour Outbound, đa số các doanh nghiệp lữ hành tại nước sở tại thường liên hệ với các nhà cung cấp tại điểm đến để mua Landtour phù hợp với nhu cầu cụ thể của khách hàng.

Hướng dẫn viên: Các Tour Outbound cần thuê các hướng dẫn viên du lịch tại điểm đến, hiểu rõ về thông tin, lịch sử, văn hóa, và các điểm du lịch địa phương.

Ảnh hưởng bởi chính sách giữa các quốc gia: Tương tự như Tour Inbound, các Tour Outbound có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách giữa quốc gia sở tại và quốc gia đến như: thị thực, an ninh, y tế, nhập cảnh,...

6. Vai trò của Tour du lịch Outbound

Đối với khách du lịch

Du lịch Outbound mở ra cơ hội trải nghiệm và tương tác trực tiếp với văn hóa, phong tục và lối sống của quốc gia mà du khách đến thăm. Khi tiếp xúc với môi trường văn hóa mới, du khách có thể học hỏi về các giá trị, tư tưởng và quan niệm mới, hiện đại của người dân địa phương. Qua trải nghiệm này, họ có thể phát triển dân trí, mở rộng tầm nhìn và có sự hiểu biết sâu rộng hơn.

Đối với doanh nghiệp du lịch

Việc tổ chức tour cho khách Việt Nam ra nước ngoài có thể tăng doanh số bán hàng của doanh nghiệp du lịch, bởi nhu cầu du lịch quốc tế của người Việt Nam đang tăng lên do sự phát triển kinh tế và nhu cầu khám phá các điểm đến mới ngày càng nhiều.

Đồng thời, việc tổ chức tour ra nước ngoài cũng mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế, bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, hãng hàng không và các đối tác khác. Điều này có thể tạo ra các giao dịch hợp tác lâu dài và mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Đối với kinh tế địa phương

Tour du lịch Outbound mở ra cơ hội hợp tác và đầu tư với các quốc gia khác. Việc thúc đẩy du lịch có thể tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc hợp tác thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các hoạt động kinh doanh khác giữa quốc gia sở tại với các quốc gia đó.

Hiện tại, Việt Nam có gần 3.000 doanh nghiệp du lịch kinh doanh 2 loại hình Tour Inbound và Tour Outbound. Với những chính sách, chiến lược thúc đẩy phát triển thương hiệu du lịch quốc gia trên toàn cầu, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng.

Tính chung cả năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, vượt 57% mục tiêu ban đầu (8 triệu lượt) đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, lượng người Việt Nam đi ra nước ngoài cũng tăng ấn tượng. Tính chung năm 2023, người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt người, gấp 2 lần năm 2022.

Mặc dù “cán cân” Outbound - Inbound có phần khập khiễng, tuy nhiên với mức độ tăng trưởng dương của toàn ngành trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đã khẳng định được giá trị của cả 2 thị trường này trong sự phát triển Ngành Du lịch Việt Nam.

Hy vọng, bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn một hình dung tổng quát về Tour Inbound và Tour Outbound, giúp bạn định vị thị trường, định vị khách hàng, xây dựng sản phẩm phù hợp và xây dựng kế hoạch kinh doanh du lịch đúng đắn. Nếu có bất cứ câu hỏi nào, bạn có thể để lại lời nhắn trong phần Liên hệ. Và đừng quên truy cập vào chuyên mục “Tài nguyên” của chúng tôi để cập nhật những nội dung hữu ích khác nhé!

Xem thêm:

>>> Chương trình du lịch là gì? Tại sao cần xây dựng chương trình du lịch?

>>> Tour Seat In Coach là gì? Đặc điểm của Tour Seat In Coach