chia sẻ:

Hướng dẫn mở công ty du lịch vào năm 2024

Cập nhật 21.03.2024 | Sale & Marketing

Hiểu rõ về các yêu cầu, thủ tục hành chính pháp lý và các chi phí liên quan là điều cực kỳ quan trọng khi bạn muốn mở doanh nghiệp du lịch. Những thông tin này giúp quy trình thành lập công ty dễ dàng và nhanh chóng hơn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những hướng dẫn chi tiết nhất về quy trình mở công ty du lịch lữ hành. Cùng theo dõi nhé!

Hướng dẫn mở công ty du lịch

1. Công ty du lịch lữ hành là gì?

Công ty du lịch lữ hành là một doanh nghiệp, tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt động du lịch. Đơn vị này sẽ tổ chức, bán và thực hiện các tour du lịch cho du khách. Ngoài ra, công ty lữ hành cũng có thể tham gia vào các hoạt động trung gian như bán sản phẩm của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch khác, bao gồm vé máy bay, khách sạn, hoạt động giải trí,...

2. Các hình thức kinh doanh du lịch lữ hành

Hiện nay, ngành du lịch lữ hành phát triển với nhiều hình thức kinh doanh đa dạng, được phân loại dựa vào một số tiêu chí như sau:

- Dựa vào tính chất hoạt động: Gồm hình thức kinh doanh đại lý lữ hành, chương trình du lịch, kinh doanh tổng hợp

- Dựa vào phạm vi hoạt động: Gồm doanh nghiệp lữ hành quốc tế, doanh nghiệp lữ hành nội địa.

3. Các loại chi phí khi mở công ty du lịch

Để mở công ty du lịch lữ hành đòi hỏi cần đầu tư rất nhiều loại chi phí. Dưới đây là một số chi phí cơ bản mà bạn nên lưu ý để lên kế hoạch tài chính hiệu quả:

- Vốn điều lệ: Vốn điều lệ được hiểu là tổng giá trị tài sản do các thành viên, cổ đông, chủ sở hữu công ty góp hoặc cam kết đóng góp khi thành lập công ty hữu hạn, công ty hợp danh. Để đăng ký thành lập doanh nghiệp, công ty cần đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn ký quỹ.

- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: Chi phí này liên quan đến quá trình đăng ký doanh nghiệp và có mức lệ phí là 50.000 đồng/lần.

- Phí cung cấp thông tin doanh nghiệp: Bao gồm phí cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp.

- Phí khắc dấu doanh nghiệp: Đây là khoản phí mà các doanh nghiệp cần chi trả để làm dấu công ty. Con dấu này sẽ xác tính chính thức của các tài liệu và văn bản của công ty.

- Ký quỹ: Ký quỹ là một khoản tiền, tài sản có giá trị được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng để đảm bảo bên có nghĩa vụ sẽ thực hiện đúng như đã cam kết. Theo 94/2021/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2024, mức ký quỹ cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch nội địa là 100.000.000 đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách quốc tế đến Việt Nam là 250.000.000 đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 500.000.000 đồng; kinh doanh đối với cả du khách quốc tế đến Việt Nam và du khách Việt Nam ra nước ngoài là 500.000.000 đồng.

- Chi phí thuê, mua địa điểm đặt trụ sở chính: Chi phí này liên quan đến việc thuê hoặc mua địa điểm để đặt trụ sở chính của công. Tùy thuộc vào vị trí, diện tích,... mà mức chi phí này sẽ khác nhau.

- Chi phí trang thiết bị: Chi phí này bao gồm việc mua các trang thiết bị cần thiết cho văn phòng như bàn ghế làm việc, máy tính, máy in và các thiết bị văn phòng khác. Mức chi phí này có thể biến đổi tùy thuộc vào số lượng và chất lượng của các trang thiết bị mà công ty cần.

- Chi phí đặt bảng hiệu công ty: Đây là chi phí để thiết kế, sản xuất và lắp đặt bảng hiệu quảng cáo cho công ty, thường dao động từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng.

- Chi phí sử dụng chữ ký số công ty: Để sử dụng chữ ký số điện tử cho các giao dịch trực tuyến và các văn bản pháp lý, doanh nghiệp sẽ phải chi trả một mức phí nhất định.

- Thường thì mức chi phí này sẽ từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng.

- Chi phí mở tài khoản ngân hàng công ty: Chi phí này liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản ngân hàng cho công ty, bao gồm các khoản phí hàng tháng hoặc hàng năm.

- Chi phí nộp thuế môn bài: Thuế môn bài là một loại thuế mà các doanh nghiệp phải nộp hàng năm dựa trên vốn điều lệ hoặc doanh thu theo năm. Đối với doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng sẽ phải đóng mức thuế là 3.000.000 đồng/năm. Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống, mức thuế sẽ là 2.000.000 đồng/năm. Còn các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh,... khác sẽ nộp lệ phí môn bài là 1.000.000 trên năm.

- Chi phí sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử: Đây là loại chi phí để sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử và quản lý hóa đơn cho các giao dịch kinh doanh của công ty. Mức phí này thường dao động từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

/Cac-loai-chi-phi-khi-mo-cong-ty-du-lich

4. Điều kiện để kinh doanh du lịch lữ hành

4.1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

Điều kiện về người đăng ký thành lập doanh nghiệp

Để kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, người đại diện cần phải tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học chuyên ngành du lịch lữ hành. Trong trường hợp tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành khác cần phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Ngoài ra, người này cần có kinh nghiệm hơn 4 năm trong ngành và không thuộc đối tượng bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép kinh doanh chưa quá 12 tháng, tính đến thời điểm xin cấp lại giấy phép.

Điều kiện về vốn

Như đã đề cập ở trên, đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, mức ký quỹ được quy định cụ thể như sau:

- Đưa khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 đồng

- Đưa khách Việt Nam đi ra nước ngoài: 500.000.000 đồng

- Đưa cả du khách quốc tế đến Việt Nam và du khách Việt Nam đi ra nước ngoài: 500.000.000 đồng

4.2. Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

Điều kiện về người đăng ký thành lập doanh nghiệp

Người đại diện của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa buộc phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong ngành và tốt nghiệp tối thiểu trung cấp chuyên ngành du lịch, lữ hành. Nếu tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành khác thì cần phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

Điều kiện về vốn

Theo luật du lịch, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100.000.000 đồng. Ngoài ra, các công ty có vốn đầu tư từ nước ngoài chỉ được phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành quốc tế và không được phép tham gia vào việc kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

5. Quy trình mở công ty du lịch lữ hành

Để thành lập công ty du lịch, doanh nghiệp cần lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý. Dưới đây là một số bước cơ bản để bắt đầu quá trình này:

5.1. Lên kế hoạch kinh doanh

Lập kế hoạch kinh doanh là một trong những bước quan trọng trong quá trình thành lập công ty, bao gồm việc xác định mục tiêu kinh doanh, dịch vụ cung cấp, hình thức kinh doanh, đối tượng khách hàng mục tiêu,... Đây sẽ là cơ sở nền tảng để định hướng rõ ràng cho việc thành lập công ty và quyết định đến sự thành công trong tương lai.

5.2. Chọn loại hình doanh nghiệp

Khi chọn loại hình doanh nghiệp, cần xem xét kỹ và chọn loại hình pháp lý phù hợp với định hướng công ty đề ra. Một số loại hình phổ biến có thể kể đến là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc doanh nghiệp tư nhân. Mỗi loại hình này sẽ có ưu, nhược điểm riêng, vì vậy cần lựa chọn kỹ lưỡng để phù hợp với nhu cầu kinh doanh và yêu cầu pháp lý.

5.3. Chọn tên doanh nghiệp

Do số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang rất lớn nên việc lựa chọn tên cho công ty tương đối khó. Vì vậy, bạn cần chủ động chuẩn bị trước và lựa chọn 1 tên có thể đăng ký.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, các cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên đăng ký dự kiến của doanh nghiệp. Vì vậy, cần lưu ý tránh những điều sau đây để đảm bảo việc đăng ký kinh doanh diễn ra thuận lợi:

- Tránh đặt tên trùng hoặc dễ gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh trước đó

- Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội để đặt tên cho doanh nghiệp (trừ trường hợp được chấp thuận bởi cơ quan, tổ chức đó)

- Không sử dụng các ký hiệu, từ ngữ vi phạm văn hóa, đạo đức, truyền thống lịch sử và thuần phong mỹ tục dân tộc

5.4. Lựa chọn địa điểm đăng ký trụ sở chính

Khi xác định địa điểm đăng ký trụ sở chính, cần cân nhắc vị trí đặt trụ sở ở khu vực nào sẽ phù hợp nhất cho hoạt động kinh doanh. Theo quy định của pháp luật, trụ sở chính của doanh nghiệp sẽ không được đặt địa chỉ tại các khu chung cư, nhà tập thể. Doanh nghiệp nên chọn những địa điểm đảm bảo được tính ổn định, lâu dài, gần trung tâm và các tuyến giao thông chính để thuận tiện cho quá trình kinh doanh.

Đặc biệt, đối với các địa điểm mà công ty mua hoặc tự xây dựng, cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà hoặc các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu theo quy định của luật đất đai. Trong trường hợp địa điểm được doanh nghiệp thuê, cần có hợp đồng thuê và các tài liệu minh bạch để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của bên thuê.

Quy-trinh-mo-cong-ty-du-lich

5.5. Xác định vốn điều lệ công ty

Để mở công ty du lịch lữ hành, doanh nghiệp cần đăng ký mức vốn tối thiểu bằng mức ký quỹ. Thời hạn góp vốn điều lệ cho Công ty Cổ phần là 90 ngày tính từ ngày nhận được chứng nhận cho phép thành lập công ty.

Trong trường hợp không thực hiện góp đủ vốn điều lệ theo thời hạn quy định, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức phạt từ 30.000.000 VNĐ đến 50.000.000 VNĐ và cần thực hiện các thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập.

5.6.Lựa chọn người đại diện

Các thành viên, cổ đông sẽ họp lại và lựa chọn ra một người đại diện theo quy định của pháp luật. Người này sẽ chịu trách nhiệm đại diện, quản lý công ty theo quy định được đề ra, đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội bộ doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo ra sự rõ ràng, minh bạch trong việc điều hành công ty, đồng thời bảo vệ quyền lợi của cả công ty và các bên liên quan.

5.7. Thực hiện thủ tục thành lập công ty du lịch lữ hành

Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập công ty

Để đăng ký thành lập công ty, doanh nghiệp cần soạn thảo một bộ hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp Văn bản trình bày vốn điều lệ của doanh nghiệp

- Danh sách các thành viên, cổ đông đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần

- Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của các thành viên, cổ đông

- Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục trong trường hợp người nộp hồ sơ không phải là người đại diện theo pháp luật

/Ho-so-can-thiet-de-mo-cong-ty-du-lich

Tiến hành nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn cần thực hiện nộp hồ sơ để đăng ký thành lập công ty. Bạn có thể lựa chọn nộp online tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh, thành phố nơi mà công ty đặt trụ sở.

Nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở kế hoạch và đầu tư sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập. Trong trường hợp phát hiện hồ sơ chưa đủ điều kiện, Sở sẽ yêu cầu bổ sung hoặc điều chỉnh để hoàn thiện hồ sơ trước khi cấp giấy chứng nhận.

Sau khi đã được cấp chứng nhận đăng ký thành lập, doanh nghiệp sẽ cần thực hiện một số thủ tục khác như:

- Khắc dấu tròn và thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh

- Báo cáo thông tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia

- Làm bảng hiệu và treo biển tên công ty tại trụ sở theo quy định

- Đăng ký, áp dụng phương pháp và chế độ tính thuế theo quy định của pháp luật

- Tạo tài khoản ngân hàng và đăng ký mẫu tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế

- Mua chữ ký số điện tử và nộp thuế trực tuyến

- Kê khai thuế và nộp thuế môn bài

- Góp vốn đúng hạn và đầy đủ trong thời gian 90 ngày từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về vốn điều lệ

5.8. Thực hiện thủ tục xin cấp phép kinh doanh du lịch lữ hành

Khi đã hoàn thành các thủ tục thành lập công ty, bạn cần tiến hành xin cấp giấy phép kinh doanh du lịch theo các bước dưới đây:

Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành

Để được cấp giấy phép kinh doanh du lịch lữ hành, dưới đây là một số hồ sơ cần phải có:

- Đơn đề nghị xin cấp phép kinh doanh du lịch lữ hành

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (có công chứng)

- Giấy chứng nhận đã ký quý tại ngân hàng của doanh nghiệp

- Bản sao chứng thực chứng chỉ, văn bằng, giấy phép liên quan của người đại diện doanh nghiệp

Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ tại Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố nơi mà công ty đặt trụ sở. Lệ phí đăng ký cấp phép kinh doanh là 3.000.000 đồng, áp dụng cho cả doanh nghiệp du lịch nội địa và quốc tế.

Đối với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành nội địa sẽ có 2 hình thức nộp hồ sơ là nộp trực tiếp hoặc gửi bưu chính. Trong khi đó, các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế có thể nộp hồ sơ trực tiếp, nộp trực tuyến hoặc gửi bưu chính.

Chờ đợi và nhận giấy phép kinh doanh.

Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, Sở sẽ thông báo bằng văn bản kèm theo lý do.

Hy vọng bài viết “Hướng dẫn mở công ty du lịch vào năm 2024” trên đây đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để giúp bạn hiểu rõ quy trình cũng như lưu ý khi thành lập doanh nghiệp du lịch. Việc hiểu rõ về các yêu cầu, thủ tục pháp lý và chi phí liên quan sẽ giúp tránh được các rủi ro không đáng có. Chúc bạn thành công!

Xem thêm: Kinh nghiệm mở công ty du lịch: 8 bước để thành công