chia sẻ:

Chuyển đổi số là vấn đề sống còn của Doanh nghiệp Du lịch

Cập nhật 26.06.2022 | Chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang là một trong những "keyword" nhận được sự quan tâm hàng đầu trong Ngành Du lịch. Đây là xu hướng tất yếu đối với ngành công nghiệp không khói trong bối cảnh chịu tác động của cuộc CMCN 4.0 và tàn dư của dịch bệnh COVID-19 và được xem là vấn đề sống còn đối với các Doanh nghiệp Du lịch.
Chuyển đổi số là vấn đề sống còn của Doanh nghiệp Du lịch

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đã nhấn mạnh nội dung trên tại Chuyên đề 2 "Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững" thuộc Diễn đàn "Luồng xanh" cho Du lịch Việt Nam cất cánh do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức hôm nay (18/5).

Đây là chuyên đề tiếp nối sự thành công của Chuyên đề 1 "Mở cửa du lịch Linh hoạt – An toàn – Hiệu quả" diễn ra vào ngày 11/3/2022.

Chuyên đề II diễn ra với 4 phiên gồm: Định hướng cho chuyển đổi số; ứng dụng từ thực tiễn; đối thoại; sáng tạo du lịch Việt Nam và phát động cuộc bình chọn doanh nghiệp dịch vụ du lịch tiêu biểu 2022.

Chuyen-doi-so-nganh-du-lich

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP

Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025".

Việc áp ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được một số đơn vị du lịch triển khai khi nhập quốc tế. Nhất là những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn để phục vụ chính công tác quản lý của họ. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm và chưa có sự thống nhất.

Doanh nghiệp du lịch buộc phải lựa chọn: Chuyển đổi số hay là chết

Năm 2022, bước vào giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn dân và toàn diện với Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, về nhiệm vụ phát triển kinh tế số du lịch, Chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch theo thời gian thực.

Trong đó, kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số du lịch, tập trung vào một số nội dung như: Mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; tạo làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào du lịch; phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch. Đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành du lịch.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại dịch COVID-19 làm cho ngành du lịch trải qua "những ngày đau đớn" nhưng cũng là cuộc thanh lọc chưa từng có. Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính "sóng thần" COVID lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là chết.

Vì thế, ông Phòng cho rằng, dù đại dịch đã khiến cả "ngành công nghiệp không khói" trở nên khó khăn nhưng nhìn ở một góc độ khác, COVID-19 chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình giống như một cuộc "lột xác," để toàn ngành có bước đệm phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.

Chuyển đổi số giúp cũng giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 khiến khách không thể đi du lịch, trên nền dữ liệu sẵn có, các nhân sự ngành du lịch vẫn tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu để giới thiệu sản phẩm phù hợp.

Không chỉ doanh nghiệp, tại các điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Điểm đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.

Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nay nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại cuộc đua cạnh tranh.

Có thể thấy, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.

|| Xem thêm: Bức tranh Chuyển đổi số Ngành Du lịch

Lợi ích từ chuyển đổi số không còn là lý thuyết

Theo bà Đỗ Hồng Xoan - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, tại các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, họ đã thực hiện chuyển đổi số từ lâu và đã trở thành chuyên môn hóa của tất cả các doanh nghiệp, chỉ cần ngồi một chỗ có thể làm việc với toàn thế giới từ đặt phòng, đặt tour, tìm hiểu về điểm đến... ngay cả khi chưa tới đó.

Các doanh nghiệp đã áp dụng số hóa từ trong quản lý, điều hành, các khâu thực hiện đón tiếp khách để mang đến những trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách hàng.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Lê Trương Hiền Hòa cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của ngành du lịch nói chung, đặt biệt là sự phát triển của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19; trong những năm qua Sở Du lịch TPHCM đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Du lịch Thông minh, gần đây nhất đang triển khai hàng loạt các nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý.

Các ứng dụng công nghệ thông tin đã được ngành Du lịch TPHCM triển khai như Vận hành ứng dụng phần mềm (App) du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; triển khai Ứng dụng Công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2022 nhằm tái hiện không gian một phần Thành phố từ trên cao, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị một cách trực quan, sinh động; triển khai vận hành Cổng thông tin 1022 nhằm cung cấp, hỗ trợ các thông tin về du lịch, cũng như giúp du khách tương tác với chính quyền để phản ánh chất lượng, an ninh du lịch tại Thành phố; cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map...

Ông Nguyễn Quyết Tâm, nhà sáng lập Phần mềm Du lịch TravelMasterNền tảng chuyển đổi số Du lịch Việt Nam - iTourism cho biết, ngành du lịch Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động số hóa trong bối cảnh cách mạng 4.0 tác động mạnh mẽ hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Tâm những hoạt động này còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn hơn.

Mr.Nguyen-Quyet-tam_Chuyen-gia-chuyen-doi-so-Du-lich

Ông Nguyễn Quyết Tâm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VietISO kiêm Uỷ viên Uỷ ban phát triển Chính phủ Số thuộc Hiệp hội VINASA phát biểu tại Diễn đàn.

"Để xây dựng nền tảng phục vụ Chuyển đổi số Ngành Du lịch thì trước hết, ngành du lịch nên có hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chung để các nền tảng có thể liên thông được dữ liệu. Thực tế hiện nay, dữ liệu đang được xây dựng tại các địa phương, các đơn vị đang trong tình trạng mỗi nơi một kiểu", ông Tâm nói.

Cần sự đổi mới về tư duy, nhận thức

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Lê Phúc, chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động; kiến thức, năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, theo ông Nguyễn Lê Phúc cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện các Đề án, chương trình Chuyển đổi số Ngành Du lịch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến về thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.

Tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch gồm có: Trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; Hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.

Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.

Phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử…

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số.

Đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, thông qua việc tổ chức các cuộc thi, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực.