Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế

28.07.2021 | 1610 lượt xem

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thành lập năm 1923 với tên gọi Musée Khai Dinh, nay trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) có trụ sở đặt tại điện Long An-một tòa kiến trúc cung đình Nguyễn có niên đại từ 1845.

Đây được xem là bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế, vào năm 1923. Lúc mới được thành lập bảo tàng có tên là Musee’ Khải Định. Sau đó, nó đã năm lần được thay đổi tên: Tàng Cổ Viện Huế (từ năm 1947, dưới thời hội đồng chấp chính Trung Kỳ). Ngày 29 tháng 9 năm 1958 chiếu theo Nghị định 1479-DG/NĐ thì Viện Tàng cổ đổi tên thành Viện Bảo tàng Huế thuộc Viện Khảo cổ, Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa. Cùng lúc đó Phòng Cổ vật Chàm cũng được sát nhập vào Viện Bảo tàng Huế. Rồi lần lượt đổi tên là Nhà trưng bày cổ vật (từ năm 1979), Bảo tàng cổ vật Huế (từ năm 1992) Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế (từ năm 1995) và cuối cùng là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Tòa nhà chính của viện bảo tàng có tên là Long An. Tòa nhà này chính là điện Long An xây năm 1845 dưới thời vua Hiến tổ nhà Nguyễn, niên hiệu là Thiệu Trị. Nơi này trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn, cho khách tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế.

Ngoài ra bảo tàng cổ vật cung đình Huế hiện còn có tới 700 hiện vật gồm gốm mộc, gốm tráng men từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn. Ngoài ra còn có gốm sứ Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp… Có thể nói bảo tàng là một bộ sưu tập gốm sứ của triều Nguyễn và các nước.

Ngoài các hiện vật được trưng bày, bảo tàng còn cất giữ hàng ngàn hiện vật khác. Nhiều nhất ở đây là đồ sứ men lam, thường được gọi là “Bleu de Hue” – còn gọi là đồ cổ “pháp lam Huế”. Đây là “đồ kiểu” được chế tác bằng kỹ thuật cao, do triều đình nhà Nguyễn đặt làm từ các lò sản xuất đồ gốm nổi tiếng bên Trung Hoa, căn cứ theo sở thích, mẫu mã, kích cỡ mà vua quan Việt Nam nêu ra trong “đơn đặt hàng”. Bởi vậy, đồ cổ pháp lam là các tác phẩm không có bản sao và là “độc nhất vô nhị” bởi do các tác phẩm làm theo đơn đặt hàng.

Trong kho gốm men cũng có một số đồ sản xuất tại Pháp, Nhật, Anh, Mỹ… Khoảng 100 bộ áo quần của các vua, hoàng hậu, hoàng tử, quan lại, lính tráng cũng đang được lưu giữ ở kho đồ vải. Ngoài ra còn rất nhiều hiện vật làm bằng thủ công khá độc đáo được xem là vô giá.

Trong khuôn viên bảo tàng này, còn có một nhà kho khác tàng trữ hơn 80 hiện vật Chàm được sưu tầm tại vùng châu Ô, châu Lý ngày xưa, và mang ra từ Trà Kiệu trong những cuộc khai quật khảo cổ học tại đó vào năm 1927. Riêng các hiện vật Chàm đã từng được những nhà nghiên cứu đánh giá là những di sản văn hóa quy hiếm.

Tour liên quan

Tại sao chọn chúng tôi

Chuyên gia Du lịch Thực tế ảo (VR Tour)

Chúng tôi là doanh nghiệp đi đầu trong cung cấp giải pháp Chuyển đổi số Du lịch tại Việt Nam, là chuyên gia công nghệ Du lịch thực tế ảo. Tất cả các chuyến tham quan của chúng tôi đều được cung cấp bởi hệ thống quản lý nội dung tốt nhất và đảm bảo 3 yếu tố chính - hình ảnh đẹp, thiết kế tuyệt vời và sự hài lòng của khách hàng.

Liên hệ ngay