11/10/2017 11:37 | Thông tin công nghệ
Các phương thức thanh toán di động đang được triển khai tại Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017-2020. Kế hoạch này nhằm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xây dựng kế hoạch để phát triển thanh toán thẻ ngân hàng theo phương thức xuất trình thẻ vật lý, thẻ được số hóa qua thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán, bao gồm Point of Sale (POS), Mobile Point of Sale (mPOS) và các loại thiết bị chấp nhận thẻ khác tại điểm bán mà chủ thẻ có thể thực hiện giao dịch thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ.
Ngân hàng nhà nước sẽ nghiên cứu, áp dụng một số giải pháp nhằm đạt mục tiêu phát triển thanh toán thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán nhằm góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực dân cư.
Cụ thể, nâng dần số lượng, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán. Đến năm 2020, toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch/năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán khi mua hàng; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ phục vụ thu ngân sách Nhà nước.
Các giải pháp được bàn đến là sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện hạ tầng chấp nhận thanh toán thẻ tại điểm bán.
Áp dụng các công nghệ thanh toán thẻ mới, hiện đại, có tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện lợi, trong đó bao gồm thanh toán sử dụng công nghệ thẻ chip (tiếp xúc và không tiếp xúc), thanh toán bằng thiết bị di động sử dụng công nghệ NFC/MST, thanh toán qua QR Code;…
Sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS dùng chung, mPOS, các thiết bị chấp nhận thẻ khác và khuyến khích các tổ chức không phải ngân hàng đẩy mạnh sự liên kết và phối hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đầu tư, phát triển, quản lý, vận hành, cung ứng dịch vụ thuê ngoài hạ tầng mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ.
Đáng chú ý là công tác đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý; Tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán. Đồng thời, áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới, tiên tiến, như tiêu chuẩn thẻ chip, 3D Secure, xác thực sinh trắc học, sử dụng QR Code, Tokenization,… phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán...
Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước cũng nhắc đến công tác truyền thông, quảng bá, phổ biến kiến thức, giáo dục kỹ năng tài chính, tạo chuyển biến rõ nét hơn về nhận thức trong thanh toán, thanh toán qua POS, mPOS, các thiết bị chấp nhận thẻ khác tại điểm bán bằng các biện pháp và cách thức phù hợp.
Xây dựng và triển khai các biện pháp vận động, khuyến khích kết hợp với các biện pháp khác đối với các đơn vị, cá nhân liên quan để thúc đẩy phát triển thanh toán qua POS, mPOS, các thiết bị chấp nhận thẻ khác tại điểm bán.
Trong thời gian qua, nhiều phương thức thanh toán di động đã bắt đầu được nghiên cứu thử nghiệm và triển khai tại Việt Nam. Đáng chú ý là từ cuối tháng 9, giải pháp thanh toán di động Samsung Pay chính thức được triển khai trên toàn quốc. Theo thống kê sơ bộ tính đến ngày 28/9/2017 – thời điểm kết thúc giai đoạn thử nghiệm, lượt cài đặt ứng dụng Samsung Pay chạm mốc khoảng 20.000 lượt, lượt giao dịch bằng Samsung Pay đạt khoảng 6.000 lượt.
Nguồn: genk.vn